Xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt Nam
Ngày nay, với sự hội nhập và phát triển không ngừng, ẩm thực Việt Nam đã có những bước đi mới, những thành tựu nổi bật, chiếm được cảm tình và sự yêu thích của đông đảo du khách quốc tế. Với việc ra đời của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, liệu ẩm thực có giúp xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam? Bản tin Vietraveler Weekly chuyên trang ẩm thực đặc biệt xin được lược trích một số ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực có tâm huyết mong muốn đóng góp xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt Nam vươn tầm thế giới.
Ông Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (Tiến sĩ sử học, Trưởng Đề án Bếp Việt - Bếp của thế giới)
Để phát triển nền ẩm thực Việt Nam trở thành thương hiệu đại diện cho quốc gia, theo tôi điều quan trọng chúng ta cần phải biết làm gì, cách làm cụ thể ra sao, nhất là phải cùng nhau làm, chứ đơn độc thì “muối bỏ bể” hay “Dã tràng se cát Biển Đông”… |
1. Nối kết những người có tâm có tầm từ chuyên gia, những người nuôi trồng, chế biến đến các doanh nhân. Muốn được như thế chúng ta phải phổ biến tầm nhìn, các mục tiêu, kế hoạch cụ thể. Quan trọng nói và làm phải thật và những thí điểm cụ thể từ nhỏ đến lớn, song mọi người phải biết hướng đi tới trong tương lai.
2. Tổ chức quảng bá rộng rãi về định hướng tầm nhìn, bản sắc độc đáo của ẩm thực Việt từ mặn đến chay qua trang mạng cũng như các sự kiện quan trọng.
3. Đẩy mạnh việc nuôi trồng, chế biến thực phẩm sạch, hữu cơ. Chúng ta phải kết nối các chuyên gia với người nuôi trồng cụ thể, những điểm cụ thể... từ đó mới nhân rộng ra.
4. Xây dựng tiêu chí chuẩn các món ăn thuần Việt và các nhà hàng thuần Việt.
5. Đẩy mạnh phát triển các nhà hàng thuần Việt, những món ăn ba miền thuần Việt và không gian Việt.
6. Xây dựng bộ phận chuyên gia đánh giá, cấp chứng chỉ đạt chuẩn. Với sự góp mặt của các chuyên gia uy tín, có tâm, có tầm như: GSTS Lưu Dzuẩn, chuyên gia Bùi Thị Sương, Triệu Thị Chơi hay Võ Mầu... nên việc thành lập bộ phận các chuyên gia đánh giá và cấp chứng chỉ không mấy khó khăn và có khả năng sớm thực hiện ngay sau quyết định thành lập Hiệp hội.
7. Xây dựng các công ty phát triển nhà hàng Việt đạt chuẩn. Tại Việt Nam nên ra đời nhiều công ty vì tính chất người Việt rất khó làm việc với nhau và độc quyền sẽ có nhiều hạn chế và cả tính cạnh tranh, thì chất lượng và số lượng mới đảm bảo phát triển. Hy vọng ẩm thực Việt Nam sẽ đổi mới, học tập các nước như Nhật Bản, Israel, chất lượng và tính hiệu quả càng ngày càng được cải tiến.
8. Xây dựng chuỗi nhà hàng từ thực phẩm sạch đến bếp sạch. Sự ra đời chuỗi nhà hàng từ thực phẩm sạch đến bếp sạch sẽ giúp cho nền ẩm thực Việt Nam phát triển bền vững.
9. Tổ chức các cuộc thi: từ thi vẽ logo đến thi các đầu bếp giỏi, các lễ hội, ẩm thực du lịch kể cả mô hình “homestay” ăn chay, ăn mặn... Việc tổ chức thi logo của Hiệp hội là sự tiên quyết ban đầu vừa dễ thực hiện vừa có tính lan tỏa nhất để phổ biến tầm nhìn, mục tiêu của Hiệp hội.
10. Góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia cho ẩm thực, du lịch. Xây dựng trên những sản phẩm vốn đang được thế giới biết tới mang giá trị văn hóa lịch sử và giá trị kinh tế cao thì không thể có sản phẩm nào hiện nay qua mặt được ẩm thực Việt. Song để nhanh chóng khắc phục tính pha tạp hay thiếu an toàn thực phẩm hiện nay, Hiệp hội nên lấy khu Phan Xích Long làm thí điểm chuỗi nhà hàng từ thực phẩm sạch đến bếp sạch hay mô hình “homestay” du lịch và ẩm thực.
Vài nét chấm phá về những lý do ra đời Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, chúng ta cần phải chung tay thực hiện những mục tiêu, kế hoạch cụ thể quảng bá thương hiệu ẩm thực Việt Nam ngay từ bay giờ để trong tương lai, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc ẩm thực nổi tiếng thế giới có giá trị văn hóa lịch sử, kinh tế cao.
Ông Nguyễn Đắc Xuân
(Hội viên hội Nhà văn Việt Nam, hội Sử học Việt Nam, thành viên Hội đồng Khoa học Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Trưởng nhóm Nghiên cứu Cung điện Đan Dương)
Tôi là người nghiên cứu văn hóa lịch sử Việt Nam nên rất thú vị về nền văn hóa ẩm thực Việt Nam. Ngoài việc nấu ăn ngon còn thấy trong đó là cả giá trị văn hóa, cái hồn Việt của từng món ăn Việt Nam. Với những nhận định như thế, qua năm tháng đã hằn trong tâm trí tôi niềm tự hào ẩm thực Việt Nam rất sâu sắc như: |
1. Ẩm thực Việt Nam thân thiện với môi trường, hạn chế thịt cá các loại, ăn nhiều hoa rau củ quả tươi (món chay).
2. Ăn theo mùa, ăn để chữa bệnh, ăn các món ăn lên men, ăn theo khoa học. Có người nói đó là cách ăn hài hòa âm dương.
3. Ẩm thực Việt Nam rất tiết kiệm vật phẩm, thích hợp với người nghèo mà sang (một con gà có thể chế biến thành nhiều món trong một bữa ăn).
4. Món ăn Việt không những ngon miệng mà trước hết phải ngon mắt, từ hình dáng đến màu sắc phong phú.
5. Biết nấu ăn ngon trong các bữa kỵ, giỗ làm vừa lòng bà con họ hàng, bữa ăn ngon giúp cho gia đình hạnh phúc.
6. Món ăn Việt có thể đãi khách quốc tế hàng chục bữa mà không sợ có món ăn nào trùng lặp. Mỗi địa phương đều có những món ăn độc đáo được nhiều người thưởng thức khen ngon.
7. Món ăn Việt Nam là một mặt hàng mà người Việt Nam có thể kinh doanh trên bất cứ đất nước nào trên thế giới.
Có nhiều điều đáng tự hào hơn nữa về ẩm thực Việt Nam nhưng càng tự hào bao nhiêu thì trong tâm trí tôi vẫn không thể tránh được những âu lo khi ẩm thực Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề không dễ vượt qua trong hoàn cảnh đất nước hội nhập quốc tế hiện nay.
1. Món ăn Việt chỉ dành cho những người buôn bán nhỏ và một số rất ít trong giới kinh doanh nhà hàng. Cho nên ẩm thực Việt Nam mang tính tự phát phục vụ thị trường, ít có nơi gìn giữ và phát huy đúng giá trị truyền thống món ăn Việt.
2. Những nghệ nhân cuối cùng của ẩm thực cung đình, những nghệ nhân xuất thân trong các gia đình có truyền thống chế biến món ăn giỏi không còn mấy người. Nếu không kịp thời ghi chép gìn giữ “chất xám” của những nghệ nhân quý hiếm ấy thì ẩm thực Việt Nam sẽ mất gốc.
3. Tình trạng ăn cắp bản quyền chất xám hiện nay đang khó kiểm soát do đó nhiều nghệ nhân có tay nghề cao “sống để dạ, chết mang đi”, chứ không dám truyền nghề cho người lạ.
4. Từ lâu, các doanh nhân ẩm thực rất mong muốn Việt Nam có những mẫu nhà hàng ẩm thực Việt Nam nhưng chưa có, bởi phần lớn là do tự phát.
5. Trên thị trường hiện nay, không tránh khỏi việc chạy theo lợi nhuận, họ dùng thực phẩm không sạch, giá rẻ, những chất phụ gia độc để tạo sự ngon miệng.
6. Các nhà hàng ẩm thực Việt Nam cạnh tranh với các nhà hàng ngoại quốc đang diễn ra khắc nghiệt. Nếu ẩm thực Việt Nam không tạo được sự khác biệt, độc đáo để phát triển thì rồi đây ẩm thực Việt Nam chỉ còn tồn tại với giới bình dân.
Tự hào và lo lắng như vậy, nhưng với tôi, sự ra đời của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam hết sức cần thiết. Hội sẽ phát hiện những tài năng mới, bảo vệ và phát huy những người có chất xám; thiết kế công nghệ một số món ăn tiêu biểu của Việt Nam để xuất khẩu; hình thành các nhà hàng mẫu Việt Nam, góp phần đào tạo lớp người mới phục vụ ẩm thực Việt Nam; gắn sao cho những nhà hàng ẩm thực Việt Nam; sưu tập tư liệu, nghiên cứu hình thành dần dần Viện Văn hóa Ẩm thực Việt Nam; thiết lập hồ sơ ẩm thực Việt Nam đệ trình Unesco để được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại… Cho nên tôi kỳ vọng vào Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam sắp ra đời trong nay mai có được những việc làm thiết thực để góp phần nâng cao và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam xứng tầm thế giới.