Thương mại hóa giá trị, lan tỏa và nhân rộng hơn ẩm thực miền Trung
Để ẩm thực miền Trung ngày càng phổ biến hơn, lan tỏa xa hơn, rộng hơn, cần tính đến phương án thương mại hóa sản phẩm, chuyên môn hóa và phải có quy trình theo quy chuẩn, cũng như tiêu chuẩn hóa con người bằng cách không ngừng đào tạo và đào tạo lại cũng như định vị lại vị giác trong ẩm thực miền Trung“Lắng nghe – Thấu hiểu và Chia sẻ” những giá trị văn hóa ẩm thực miền Trung
Tọa đàm trực tuyến “Giá trị thực dụng – nền văn hóa ẩm thực miền Trung” với thông điệp “Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ” nằm trong chuỗi sự kiện “Sáng kiến cộng đồng: Du lịch Văn hóa ẩm thực – Con đường di sản miền Trung” diễn ra sáng thứ Bẩy ngày 14/8 đã thành công tốt đẹp.
Phát huy giá trị đặc trưng của văn hóa ẩm thực miền Trung trong bối cảnh đương đại
Văn hóa ẩm thực miền Trung được kế thừa từ nghiên cứu chuyên sâu (đảm bảo đúng với định tính, định hình, định lượng trong chế biến) bởi những chuyên gia hàng đầu về ẩm thực của Kinh đô Huế (ngày xưa). Món ăn Miền Trung (nói chung) chú trọng sự hòa hợp giữa thuật Âm Dương Ngũ hành chế biến nên món ăn để tái tạo sức khỏe và chữa bệnh. Chính vì vậy, món ăn miền Trung phải được sử dụng chuỗi giá trị và hệ sinh thái của cây con củ quá được nuôi trồng chế biến từ miền Trung mới đậm chất, lành tính, ngon và bổ dưỡng. Giá trị thượng thừa thực sự của ẩm thực miền Trung ngày càng độc đáo, hấp dẫn và đặc sắc không thể lẫn với một vùng miền nào khác.
Ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội văn hóa ấm thực Việt Nam (VCCA) khẳng định, hướng tới mục tiêu liên kết “Bốn nhà” (Nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà nông và nhà kinh doanh) để phá bỏ đức tính cam chịu, thu mình và e dè của người dân vốn một đời hiền lành lam lũ, nhất là phong vị cảm thụ trong ăn của người miền Trung: Cay, chua , mặn, chát..., các diễn giả tham gia Tọa đàm lần này đặc biệt nhấn mạnh, muốn vươn ra thế giới, cần phát xây dựng cơ chế sáng tạo đổi mới áp dụng triệt để khoa học công nghệ, biết lấy truyền thống kết hợp hiện đại… hình thành đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu phối hợp với các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực biến tấu và chế biến món ăn (công nghệ) có thể cấp đông, ướp lạnh, sấy khô, nhất là phù hợp với khẩu vị của các vùng miền và thực khách trên thế giới, sau đó tính đến chuyện làm giàu và phát triển bền vững.
Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, ẩm thực Việt Nam đã gây “tiếng vang” trên thế giới và khá được ưa chuộng. Dịp này, ông cũng đánh giá cao nỗ lực của Ban tổ chức, coi Tọa đàm lần này là sự kiện có ý nghĩa quảng bá mảnh đất con người miền Trung và ẩm thực Việt Nam trong bối cảnh du lịch đang rất khó khăn đồng thời bày tỏ hy vọng, thông qua chương trình sẽ tạo kết nối cũng như sức lan tỏa, chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón du khách trở lại với hoạt động du lịch khi kiểm soát tốt được dịch bệnh. “Tổng cục du lịch Việt Nam cam kết đồng hành cùng các đơn vị, góp phần phát triển du lịch, trong đó có một phần quan trọng, không thể thiếu của văn hóa ẩm thực của nước ta nói chung và ẩm thực miền Trung nói riêng” – Tổng cục trưởng nói.
Định vị lại nhận thức và giá trị ẩm thực miền Trung
Trong khuôn khổ Tọa đàm trực tuyến, các diễn giả và khách mời đã cùng nhau trao đổi về những rào cản, khó khăn từ “nỗi đau” của doanh nhân ẩm thực trong bối cảnh và thực tiễn hiện nay; giá trị văn hóa Ẩm thực trên con đường Di sản Miền Trung nói chung; nét đặc trưng của những nguyên liệu gia vị, thực phẩm và hải sản giữa Cộng đồng di sản miền Trung và các vùng miền khác; lợi thế của doanh nghiệp khi liên kết giữa nghệ nhân, nhà kinh doanh và nhà cung ứng sản phẩm; những phương án phát triển kinh doanh Du lịch, Văn hóa Ẩm thực – Con đường di sản miền Trung…
Như chia sẻ của TS. Đoàn Minh Phú, Tổng Giám Đốc chuỗi Nhà hàng Siêu thị Thế giới Hải Sản, Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành VCCA, đặc trưng ẩm thực miền Trung tập trung ở các vị: cay, mặn, chua, chát, khá đặc biệt và khác hoàn toàn với các khu vực trong nước. Riêng với ẩm thực miền Trung, ớt được ví như “nhạc trưởng trong món ăn”. Ngoài ra, ẩm thực miền Trung cũng đa dạng phong phú, ngoài ẩm thực cung đình (nặng về lễ nghi) còn có dòng ầm thực đơn giản trong dân gian. Do đó, cần liên kết để phố biến rộng rãi hơn các món ăn miền Trung đồng thời tạo lập ra nhiều địa điểm thưởng thức các món ăn đặc sản miền Trung. Ông Phú phân tích, do chất lượng không đồng đều nên có sự cạnh tranh về giá khá phổ biến, do đó, đến lúc phải thống nhất chung được quy chuẩn chất lượng và giá cả, tạo sự đặc biệt, độc đáo thu hút du khách, khắc phục được hạn chế trong khâu bảo quản, đóng gói, vận chuyển bằng cách nhân rộng các hệ thống khắp các tỉnh, thành, đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu, coi đây là hoạt động thường xuyên, bền bỉ và là vấn đề sống còn. “Đây cũng là nội dung xuyên suốt và tiên quyết góp phần quảng bá sản phẩm, thương mại hóa và nâng cao giá trị ẩm thực miền Trung, tạo cầu nối liên kết với các đơn vị, các nghệ nhân” - TS. Đoàn Minh Phú chỉ rõ.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Huỳnh Đạt, Tổng Giám Đốc Công ty cổ phần Ông Bếp TP. HCM - Trưởng Ban Kiểm tra VCCA phân tích thêm, cần nghiêm túc nghiên cứu phát triển gia vị mang đậm văn hóa miền Trung đương đại, có thể gia giảm để thay đổi tùy từng vùng miền để ai cũng có thể sử dụng, đó chính là giá trị thực dụng của ẩm thực, vẫn mang bản chất địa phương nhưng có thể thay đổi gia giảm gia vị cho phù hợp với khẩu vị đa dạng của người tiêu dùng, đưa ẩm thực đến rộng rãi thực khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, nên chú trọng kết hợp khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm gia vị bảo quản lâu hơn, có thể trong 12 tháng, 24 tháng giúp mọi người dễ dàng sử dụng mà vẫn làm ra phong vị đặc trưng của món ăn. TS. Đạt nhấn mạnh, “Không gì mà không làm được bởi chúng ta đã có công thức, kỹ thuật, tầm nhìn của chính sách. Tin rằng, chúng ta sẽ có tất cả những thứ cần để mang Việt Nam với danh xưng “công xưởng cung cấp gia vị cho toàn cầu” bay xa, bay cao hơn”.
Bổ sung thêm ý kiến phát triển giá trị thực dụng văn hóa ẩm thực miền Trung, ông Đinh Hài, Nguyên Giám Đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam - Hội viên VCCA thông tin, ẩm thực có những đặc trưng riêng, tinh tế riêng của từng khu vực, do đó, trước hết tạo ra một nhận thức chung về vai trò, vị trí của ẩm thực, đó là: Nếu ẩm thực không được quan tâm đúng mức thì ảnh hưởng phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung, khi quan tâm đúng mức sẽ có ý thức tạo vùng nguyên liệu, tạo điều kiện phát triển và nhân rộng các món ăn, chế biến hiệu quả, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bản thân chính quyền, cơ quan quản lý tạo ra môi trường, hạ tầng nhất định với các đường phố ẩm thực, lễ hội ẩm thực, đưa ra chính sách khuyến khích nhà nông tạo ra những nguyên liệu tươi ngon sạch phục vụ cho nhà bếp.
“Việt Nam là một “bản đồ” đa dạng về văn hóa ẩm thực với nhiều món ăn phong phú, điều cần làm hiện nay là liên kết chính quyền với nghệ nhân, danh nhân, người có tâm huyết cùng nhau tạo nên thương hiệu, nâng giá trị ẩm thực Việt Nam, nói cách khác là tạo một nguồn lực để “các nhà” liên kết, phát huy tối đa hiệu lực hiệu quả từng nhà rồi liên kết chung tay phát triển. Có chương trình hành động cụ thể và tin rằng một ngày không xa nữa, ẩm thực miền Trung nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung có bước tiến, phát triển mới”- ông Đinh Hài khẳng định.
Cũng tại Tọa đàm, ông Lý Đình Quân, Trường Làng công nghệ Du lịch - Ẩm Thực - Techfest Việt Nam, TGĐ Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn bổ sung thêm, cái thiếu và yếu là kết nối nâng chuỗi giá trị - hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thương mại hóa văn hóa ẩm thực, kết nối đưa tri thức, công nghệ, định hướng chiến lược, thúc đẩy phát triển mạnh ẩm thực Việt, quan tâm phối hợp các bên liên quan./.