Đưa ẩm thực miền Trung tới đông đảo thực khách trong nước và quốc tế
Trong khuôn khổ Hội thảo trực tuyến “Sáng kiến cộng đồng: Văn hóa ẩm thực – Con đường di sản miền Trung” diễn ra ngày 17/7, các nhà quản lý, các chuyên gia ẩm thực hàng đầu Việt Nam cùng đông đảo đại biểu tham dự đến từ 5 tỉnh miền Trung, Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nam Định đã trao đổi thẳng thắn về việc làm sao để đưa ẩm thực miền Trung “bay cao, bay xa”, khẳng định thương hiệu với đông đảo thực khách khắp nơi.
Sự kiện đã tạo ra những kết nối xuyên các địa phương trong những ngày dịch bệnh COVID-19 đang căng thẳng hiện nay, tạo nên sân chơi với những chia sẻ quý giá, góp phần đem đến những giá trị to lớn trong hành trình gìn giữ và phát triển “tinh hoa” ẩm thực Việt Nam nói chung, trong đó có ẩm thực miền Trung nói riêng.
Chuỗi sự kiện “Sáng kiến Cộng đồng: Văn hóa ẩm thực – Con đường di sản miền Trung” là một chương trình được Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp SongHan tổ chức, phối hợp cùng Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam và Làng Công nghệ Du lịch & Ẩm thực, dưới sự bảo trợ chuyên môn của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.
Theo đó, chủ đề “Văn hóa ẩm thực miền Trung – Góc nhìn và thế mạnh từ giá trị lịch sử” lần này sự kiện mở màn, hứa hẹn sẽ mở ra những góc nhìn mới về vai trò – sứ mệnh – giải pháp cống hiến cộng đồng trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa ẩm thực, mà cốt lõi nằm ở các giá trị văn hóa và lịch sử; hướng đến phát triển vị thế ẩm thực miền Trung lên tầm cao mới, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành F&B và tạo tiền đề kết nối mạng lưới các doanh nghiệp cũng như mở rộng mạng lưới thị trường trong và ngoài nước
Tại sự kiện, ông Lê Tân, Phó Chủ Tịch kiêm Tổng Thư Ký tại Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã khẳng định, ẩm thực miền Trung chứa đựng những nét đặc trưng truyền thống quan trọng cần được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những thách thức lớn đặt ra cho các doanh nghiệp SMEs và cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành F&B, đặc biệt là trong công cuộc mang Văn hóa Ẩm thực miền Trung đến với bạn bè thế giới.
Cũng tại sự kiện, dưới góc nhìn của mình, ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, Chuyên gia phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp – Chiến lược đổi mới sáng tạo cho rằng, để phát triển theo xu hướng của thời đại mà vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi luôn là điều không dễ dàng, đặc biệt là với văn hóa ẩm thực. Thực tế, nhiều doanh nghiệp SMEs đã và đang đối mặt với những "cơn khủng hoảng". Và để khắc phục những hạn chế trong quá trình vận hành, nguồn nhân lực cũng như giải quyết các vấn đề còn tồn đọng ở các SMEs khi tham gia vào lĩnh vực này vẫn là một bài toán lớn.
Đồng quan điểm trên, ông Chử Hồng Minh, sáng lập & Chủ tịch DNXH Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam, đại diện Việt Nam, Sáng lập Liên Minh Hiệp hội Nhà hàng ASEAN, đại sứ Hiệp hội Du lịch Ẩm thực Thế giới (WFTA) tại Việt Nam nhấn mạnh thêm, đối với lĩnh vực du lịch, ẩm thực không đơn thuần chỉ là việc cung cấp dịch vụ ăn uống thông thường mà còn là một sản phẩm du lịch để thông qua đó du khách khám phá, tìm hiểu nét văn hóa bản địa nơi mình đặt chân đến. Do đó, xây dựng sản phẩm du lịch một cách bài bản, sáng tạo, có sự liên kết và chú trọng đổi mới hình thức quảng bá sẽ giúp du khách có được nhiều trải nghiệm thú vị hơn. Quan trọng hơn cả, đó là hệ thống các nhà hàng, doanh nghiệp ẩm thực.
Về cơ bản, các diễn giả đều nhất trí chung rằng, để tạo nên một hệ sinh thái phát triển kinh doanh vững mạnh, cần phải nỗ lực thúc đẩy tính bền vững của toàn ngành Nhà hàng - Ẩm thực, bằng cách cộng hưởng các nguồn lực và kết nối các bên liên quan./.