Chả Đẫy

Do admin 23/09/2019

Gọi là Chả Đẫy vì hình dáng món ăn này giống cái đẫy ( cái túi ) của người xưa gói ghém đủ thử , thường đeo trên vai

Tôi là Dược sĩ Phạm Vân Loan, quê gốc làng Đông Ngạc ( Làng Vẽ), Hà Nội, đã giới thiệu món chả đẫy tới nhiều nước như Mã lai, Singapore, Manila, Mỹ, Úc, Pháp, Bỉ, Ý, Đức, Cộng hòa Séc ( Pra ha) ...

Món ăn độc đáo này do Bà nội tôi nghĩ ra vào khoảng năm 1910. Thời xưa, mỗi lần tiệc hay đám giỗ, phụ nữ trong nhà phải phụ trách và luôn sáng tạo những món ăn mới trong những dịp như vậy. Món chả đẫy được bà nội tôi truyền lại cho mẹ tôi, sau đó mẹ tôi dạy lại chúng tôi, cho nên, món ăn này là của dòng họ chứ không phải món ăn phổ biến”.

Gọi là Chả Đẫy vì hình dáng món ăn này giống cái đẫy ( cái túi ) của người xưa gói ghém đủ thử , thường đeo trên vai. Từ hình ảnh thân thương này, với bàn tay tài hoa, bà nội tôi vốn rất khéo làm bánh mứt nhất là các loại hoa tỉa bằng đu đủ xanh, cụ đã sáng tạo nên món ăn này. Năm 1997 tại Hội Nghị Khoa Học “Bản Sắc Việt Nam Trong Ăn Uống” và giới thiệu 170 món trong đó có Chả Đẫy tại KS Majestic (TP.HCM), nhà tôi (Nguyễn Nhã) đã đặt tên là Chả Trứng Túi Âu Cơ.

Với nhiều chất , nhiều vị ngon ngọt, bùi từ tôm thịt, hành nấm, cà rốt,trứng; hình dáng lại rất đẹp, nhất khi làm có thể biểu diễn rất bắt mắt, thấy rõ tài khéo của người làm.

Khi giới thiệu món ăn này nhiều người rất thích như tại Kula Lumpur năm 2011 cho 100 phu nhân sứ quán ASEAN, phu nhân Ngoại trưởng Malaysia đã lên tận sân khấu xem làm và tấm tắc khen. Và nhiều nơi như tại nhà hàng Little Asia ở Brussel (Bi) , các đầu nếp hay gm đốc khách sạn cũng muốn làm...

Công Thức

1. Nguyên liệu.

Tôm bóc nõn 150 g

Thịt nạc vai xay 150 g

Hành tây 1 củ

Nấm hương hay nấm đông cô 20 gr

Cà rốt 1 củ nhỏ

Trứng vịt 4 cái (hoặc trứng gà 5 cái)

Rau mùi (ngò) 24 ngọn.

Có thể làm nhân chay hoặc thay thế thịt heo bằng thịt gà cho người ăn chay hay người theo đạo Hồi.

2. Cách làm

Nấm ngâm mềm, rửa sạch. Tôm xào chín nêm nếm vừa ăn. Tất cả thái hạt lựu nhỏ xào thịt cho thơm rồi cho tôm, nấm, cà rốt đã thái nhỏ vào, xào vừa chín, nếm lại. Trứng đánh tơi, thêm chút hành, nước mắm ngon, hạt tiêu cho thơm ngon.

Dùng chảo nhỏ đường kính khoảng 20 cm, nếu có chảo không dính càng tốt. Tráng đều mặt chảo bằng một miếng mỡ lợn hay miếng gạc tiệt trùng tẩm dầu ăn. Để lửa nhỏ cho chảo vừa nóng. Dùng 1 thìa canh, múc trứng vào chảo, nhẹ lắc chảo cho thành 1 lớp mỏng, trứng thừa phải đổ ra. Đặt chảo lên bếp cho trứng vừa chín, múc 1 thìa cà phê nhân đã xào, đặt vào giữa lát trứng mỏng, cầm đũa thật khéo gấp trứng lại. Dùng đũa túm tròn phần trứng có nhân thành 1 cái túi nhỏ. Phần trứng mỏng bên ngoài xoè ra như miệng túi.

3. Trang trí.

Cài 1 ngọn rau mùi vào cổ của miếng chả. Ngày xưa, phụ nữ thường chỉ ở nhà lo việc nội trợ, có nhiều thời gian nên còn lấy miến (bún tàu) nhuộm màu xanh, đỏ, vàng buộc vào cổ miếng chả, rất thẩm mỹ và rất công phu.

Mỗi đĩa bày 12 miếng chả, có màu vàng của trứng, màu xanh của rau mùi rất nổi. Đặt giữa đĩa 1 hoa cà rốt hay hoa cà chua.

4. Yêu cầu thành phẩm và đặc điểm cảm quan.

Nhìn đĩa chả trứng, tưởng đến những cái đẫy (túi) của người xưa. Khi ăn lại có đủ vị ngon, ngọt, bùi của tôm, thịt, hành, nấm, trứng. Có thể chấm thêm nước mắm pha chua ngọt cay. Ăn nóng hay nguội đều được. Thật là thú vị

(Nguồn ảnh: internet)

Với nhiều chất nhiều vị mà rất cân bằng nên dễ ngon, chả mà ít mỡ, du( chỉ bôi trơn chảo), nên rất lành, thể hiện tính ngon lành của ẩm thực Việt Nam, lại còn rất đẹp nữa. Hy vọng món ăn dân dã này càng ngày càng phổ biến để giữ gìn góp phần xây dựng Việt Nam trong tương lai sẽ trở thành cường quốc ẩm thực.

Xem nhiều nhất

Sorry. No data so far.