Quảng bá trực tuyến các giá trị văn hóa ẩm thực miền Trung
Sáng nay (14.8), Tọa đàm Giá trị thực dụng – nền văn hóa ẩm thực miền Trung với thông điệp Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ nằm trong chuỗi sự kiện Sáng kiến cộng đồng: Du lịch Văn hóa ẩm thực – Con đường di sản miền Trung đã được tổ chức trên nền tảng trực tuyến.
Trong khuôn khổ chương trình, ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) thông tin: “Tọa đàm lần 2 với mong muốn cho công chúng và du khách thấy rõ được tính hợp lý của sự liên kết các địa phương có Di sản thế giới tọa lạc. Với giá trị lịch sử của Kinh đô Việt Nam (dưới triều đại Nhà Nguyễn, một trong những vương triều cuối cùng trên thế giới), chúng tôi sẽ giới thiệu những giá trị của văn hóa ẩm thực miền Trung theo hướng gợi mở để truyền tải thông điệp “Lắng nghe – Thấu hiểu – Chia sẻ” mỗi khi đi qua vùng đất của di sản”.
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, ẩm thực Việt Nam đã gây “tiếng vang” trên thế giới và khá được ưa chuộng. Trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, Tổng cục Du lịch đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực của Ban tổ chức đã xây dựng và thực hiện chương trình Văn hóa ẩm thực – Con đường di sản miền Trung. Đây là chương trình mang nhiều ý nghĩa nhằm quảng bá về hình ảnh mảnh đất, con người miền Trung, đồng thời đẩy mạnh quảng bá du lịch ẩm thực Việt Nam trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay. “Tổng cục du lịch Việt Nam cam kết đồng hành cùng các đơn vị, góp phần phát triển du lịch, trong đó có một phần quan trọng, không thể thiếu của văn hóa ẩm thực của nước ta nói chung và ẩm thực miền Trung nói riêng” – Tổng cục trưởng nói.
Qua gần 120 phút của chương trình các khách mời, diễn giả, chuyên gia đã trao đổi về những vấn đề như: Rào cản, khó khăn của doanh nhân ẩm thực trong bối cảnh hiện nay; Giá trị Văn hóa Ẩm thực trên con đường Di sản Miền Trung nói chung; Nét đặc trưng của những nguyên liệu gia vị, thực phẩm và hải sản giữa Cộng đồng di sản miền Trung và các vùng miền khác; Lợi thế của Doanh nghiệp khi liên kết giữa nghệ nhân, nhà kinh doanh và nhà cung ứng sản phẩm; Những phương án phát triển kinh doanh Du lịch, Văn hóa Ẩm thực – Con đường di sản miền Trung.
Theo TS. Đoàn Minh Phú - Tổng Giám đốc chuỗi nhà hàng Thế giới Hải sản Việt Nam, để phát huy giá trị ẩm thực miền Trung vươn ra thế giới, cần nghiên cứu chuẩn hóa các cơ sở ẩm thực để du khách đến miền Trung có thể dễ dàng tìm kiếm để thưởng thức. Cần nghiên cứu khẩu vị tùy theo vùng miền, gia giảm gia vị cho phù hợp để khách ở khắp nơi có thể thưởng thức các món ăn ngon của miền Trung, từ đó lan tỏa giá trị món ăn. Ông Phú nhấn mạnh cần tạo mối kết nối giữa nghệ nhân ẩm thực với doanh nhân, một bên tạo ra sản phẩm và một bên giúp tiêu thụ sản phẩm, đưa ẩm thực miền Trung đến gần hơn với người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Ở đây, vai trò của Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam rất quan trọng trong việc tổ chức kết nối nghệ nhân và doanh nhân, quảng bá sản phẩm, xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả… Ông mong muốn thông qua phát huy và thương mại hóa các giá trị văn hóa ẩm thực của Việt Nam, góp phần vào sự phát triển chung của du lịch Việt Nam cũng như của miền Trung.
Với 30 năm kinh nghiệm trong ngành ẩm thực, TS. Huỳnh Đạt - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ông Bếp khẳng định: “Định vị cấu trúc ẩm thực Việt Nam thì 3 vùng miền Bắc – Trung – Nam là 3 khẩu vị khác nhau hoàn toàn”. Riêng với nền văn hóa ẩm thực miền Trung, TS. Huỳnh Đạt đề cao giá trị thực dụng của gia vị, nguyên liệu trên con đường phát triển ẩm thực. Miền Trung có nguồn nguyên liệu đặc biệt phong phú, giá trị, có rất nhiều tiềm năng để phát huy ẩm thực khu vực này. Mỗi một vùng miền Việt Nam lại có những khẩu vị khác nhau, tạo nên sự đa dạng, phong phú cho ẩm thực Việt Nam. Từ kinh nghiệm bản thân, ông nhấn mạnh, cần có giải pháp chế biến các nguyên liệu thô thành các sản phẩm tinh chế, có giá trị thương mại cao. Trong đó cần áp dụng các công nghệ hiện đại để bảo quản, chế biến để mang lại giá trị cao hơn và lâu bền hơn cho sản phẩm. Ông Đạt khẳng định, bằng kiến thức, tầm nhìn, đam mê và công nghệ hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể thành công trong việc phát huy các giá trị ẩm thực Việt Nam, hình thành thương hiệu và quảng bá rộng rãi thương hiệu ẩm thực du lịch Việt Nam ra thế giới.
Bổ sung thêm ý kiến phát triển giá trị thực dụng văn hóa ẩm thực miền Trung, ông Đinh Hài, Nguyên Giám Đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam - Hội viên VCCA thông tin, ẩm thực có những đặc trưng riêng, tinh tế riêng của từng khu vực, do đó, trước hết tạo ra một nhận thức chung về vai trò, vị trí của ẩm thực, đó là: Nếu ẩm thực không được quan tâm đúng mức thì ảnh hưởng phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung, khi quan tâm đúng mức sẽ có ý thức tạo vùng nguyên liệu, tạo điều kiện phát triển và nhân rộng các món ăn, chế biến hiệu quả, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bản thân chính quyền, cơ quan quản lý tạo ra môi trường, hạ tầng nhất định với các đường phố ẩm thực, lễ hội ẩm thực, đưa ra chính sách khuyến khích nhà nông tạo ra những nguyên liệu tươi ngon sạch phục vụ cho nhà bếp.
Cũng trong hội nghị lần này, các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực cùng các doanh nghiệp du lịch đều nhất trí rằng Việt Nam có những giá trị văn hóa ẩm thực rất phong phú và quý báu, cần phát huy một cách mạnh mẽ, hình thành thương hiệu ẩm thực Việt Nam trên thế giới. Để làm được điều này, điều quan trọng là cần tăng cường liên kết, hợp tác giữa các bên từ cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân ẩm thực, nhà nông, doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị bền vững, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Sự hợp tác sẽ giúp mang lại những cách làm mới mẻ, sản phẩm mới mẻ nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị truyền thống đặc sắc.