TỔNG KẾT HÀNH TRÌNH KHẢO SÁT XÂY DỰNG DI SẢN VĂN HÓA ẨM THỰC TIÊU BIỂU 5 TỈNH, THÀNH PHỐ PHÍA BẮC

Do Digital Team 01/04/2022

Hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh, thành phố phía Bắc (Nam Định, Hà Nam, Thái Nguyên, Phú Thọ và Hà Nội) vừa diễn ra từ ngày 25 – 31/3/2022, gồm các buổi khảo sát, trải nghiệm món ăn dân gian tiêu biểu; giao lưu, tìm hiểu lịch sử văn hóa ẩm thực, phương thức chế biến cùng nghệ nhân các địa phương. Qua đó chọn lựa, đề cử các món ăn tiêu biểu của 5 tỉnh, thành phố trên vào Dự án 100 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam.

Khởi động hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực 5 tỉnh khu vực phía Bắc tại Nam Định

Ngày 25/3, sự kiện khởi động Hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực 5 tỉnh khu vực phía Bắc diễn ra tại Nam Định. Sự kiện có sự tham gia của ông Lã Quốc Khánh – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức chương trình; bà Nguyễn Hoàng Yến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam; bà Lê Thị Thiết - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định.

Giới thiệu về Hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực 5 tỉnh khu vực phía Bắc, ông Lã Quốc Khánh - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết, đoàn khảo sát sẽ bắt đầu từ Nam Định và đi qua các tỉnh Hà Nam, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện khởi động Dự án 100 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam, đồng thời thu thập dữ liệu thực tế để xây dựng Bản đồ văn hóa ẩm thực Việt Nam với các món ăn Việt Nam truyền thống và hiện đại.

Ông Lã Quốc Khánh cũng kêu gọi toàn thể hội viên, Ban Chấp hành, các Nghệ nhân, Ban Dự án và Ban Tổ chức sự kiện nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết một lòng để hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh của mình.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA), Trưởng Ban tổ chức chương trình phát biểu khai mạc tại sự kiện.

Về phía tỉnh Nam Định có sự tham gia của ông Trần Lê Đoài, ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; Ông Trần Xuân Giai, nguyên lãnh đạo tỉnh Nam Định; ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định.

Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia của ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Trung ương Hội kỷ lục gia Việt Nam; ông Hoàng Thái Tuấn Anh – Tổng Thư ký tổ chức kỷ lục Đông Dương, Trưởng đại diện miền Bắc tổ chức kỷ lục Việt Nam; PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam; ông Lê Huy Thọ - báo Tuổi trẻ.

Đồng hành cùng chương trình có sự tham gia của đại diện các nhà tài trợ: bà Lê Thị Nga - Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Masan; bà Đinh Hồng Vân – Giám đốc cao cấp ngành hàng gia vị Công ty Cổ phần tiêu dùng Masan; bà Nguyễn Thị Thanh Trà – Tổng Giám đốc hệ thống khách sạn và resort tập đoàn Nam Cường; ông Mai Quốc Đạt – COO Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc; bà Nguyễn Thị Tình – COO Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc; bà Hoàng Nam Phương – đại diện Công ty Cổ phần Phở xưa Nam Định. Ông Lê Văn Lượng – Đại Diện Công ty cổ phần tập đoàn CLB Lê Gia - Dự án wine mart 69.

Đặc biệt, chương trình có sự góp mặt của gần 50 chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực trên khắp cả nước nhằm giới thiệu những món ăn dân gian đặc trưng của vùng miền đến chương trình.

Đến từ Hà Nội, nghệ nhân ẩm thực Lê Văn Khánh giới thiệu món cá kho tộ An Khánh

Trong khuôn khổ sự kiện khởi động, tỉnh Nam Định đã đón nhận Bằng xác lập Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020 – 2021) cho 2 món bún đũa và phở bò Nam Định; Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2020 – 2021) cho sản phẩm kẹo Sìu Châu tỉnh Nam Định của Trung tâm kỷ lục Việt Nam.

Đại diện Trung tâm kỷ lục Việt Nam trao Bằng xác lập “Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam” cho 3 món đặc sản ẩm thực Nam Định.

Tại Nam Định, các hoạt động trong khuôn khổ chương trình còn bao gồm: khám phá di sản lịch sử và văn hóa ẩm thực Trấn Sơn Nam Hạ với các món ăn dân gian vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, giao lưu nghệ nhân 3 miền, tổ chức quảng diễn một số món ăn tại khách sạn Nam Cường, thành phố Nam Định.

Sáng 26/3, đoàn khảo sát xây dựng di sản di sản văn hóa ẩm thực 5 tỉnh khu vực phía Bắc đã tới đền Gin thuộc xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tình Nam Định để tham gia tái hiện nghi lễ dâng cỗ và thi cỗ.

Hai mâm cỗ được người dân xã Nam Dương dày công chuẩn bị để dâng lên đền Gin bao gồm mâm cỗ giò và mâm cỗ ngọc. Mâm cỗ giò có nhiều món giò độc đáo như: giò chân, giò lựu, giò lây, giò lá lật, giò lụa, giò hoa... Mâm cỗ ngọc có các món: mọc gói, bóng bì, bát nấu, đĩa xào...

Khảo sát tuyến điểm du lịch kết hợp trải nghiệm tinh hoa ẩm thực chay tại khu du lịch tâm linh Tam Chúc (tỉnh Hà Nam)

Sáng 27/3, đoàn khảo sát xây dựng di sản di sản văn hóa ẩm thực 5 tỉnh khu vực phía Bắc tham dự Lễ cầu an tại điện Tam Thế, chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.

Dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) trong hành trình khảo sát, tìm kiếm 100 món ăn ẩm thực Việt Nam, “Ngày hội ẩm thực chay” Tam Chúc quy tụ đông đảo các nghệ nhân ẩm thực chay đến từ nhiều vùng miền khác nhau, đại diện cho văn hóa ẩm thực chay của nơi mình sống.

Điển hình là sự góp mặt của kỷ lục gia, nghệ nhân văn hóa ẩm thực Việt Nam Hồ Đắc Thiếu Anh, Thạc sĩ - nghệ nhân ẩm thực Tày Nùng Việt Nam Lý Thị Chiên, các chuyên gia ẩm thực Phạm Văn Nghĩa, Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Hồ Tiếu Anh.

Kỷ lục gia, nghệ nhân văn hóa ẩm thực Việt Nam Hồ Đắc Thiếu Anh giới thiệu về mâm cỗ chay.

Những mâm cỗ chay mới mẻ, hấp dẫn, tinh tế được tạo nên từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân được dâng lên Đức Phật tại Điện Tam Thế như thay cho lời cầu xin, lời cảm tạ của tất cả mọi người có mặt tại ngày hội. Mỗi mâm cỗ chay đều ẩn chứa những ý nghĩa và thông điệp riêng, mang những hương vị riêng, nghệ thuật sắp đặt và trình diễn riêng.

Điểm chung của các mâm cỗ chay là đều tượng trưng cho ngũ hành. Cụ thể, trong mâm cỗ chay phải có những món ăn có chứa màu đỏ (tượng trưng cho hành hỏa), màu xanh (hành mộc), màu đen (hành thổ), màu trắng (hành thủy) và màu vàng (hành kim).

Thạc sĩ - nghệ nhân ẩm thực Tày Nùng Việt Nam Lý Thị Chiên giới thiệu ý nghĩa về mâm xôi ngũ sắc.

Cũng trong chiều ngày 27/3, các nghệ nhân ẩm thực của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam phối hợp với các đầu bếp của khu du lịch Tam Chúc thực hiện kỷ lục “Lá bồ đề làm bằng cơm nắm lớn nhất Việt Nam” tại Chợ quê Tam Chúc. Lá bồ đề được tạo hình từ cơm nắm có màu tím, đỏ, cam, vàng, trắng.

Tìm hiểu văn hóa ẩm thực vùng đất Tổ (tỉnh Phú Thọ)

Tại tỉnh Phú Thọ, Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam cùng các thành viên, các Nghệ nhân Ẩm thực đã dâng hương tri ân công đức Tổ tiên tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Tham quan làng cổ Hùng Lô, trải nghiệm di sản văn hoá phi vật thể “Hát Xoan Phú Thọ”- di sản văn hoá phi vật thể được Unesco vinh danh.

Đoàn cũng tham gia trải nghiệm đặc sản ẩm thực Phú Thọ như: Cá trắm đen hấp, cua đồng rang muối, bánh sắn, nộm thân chuối, canh chuối, chả ốc, chả cuốn mỡ chài... Và đặc biệt khảo sát, tìm hiểu về sản phẩm bánh chưng - tinh hoa ẩm thực truyền thống của đất Tổ để tiến tới đưa bánh chưng vào đề cử trong top 100 món ăn ngon Việt Nam. 

Trải nghiệm giao lưu cùng bà con dân tộc, nghệ nhân ẩm thực địa phương tại Bản làng Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên)

Ngày 29/3, đoàn nghệ nhân khảo sát di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh phía Bắc đã đến bản làng Thái Hải tại thành phố Sông Công, Thái Nguyên. Tại đây các nghệ nhân đã giao lưu văn hóa, văn nghệ dân tộc cùng bà con bản làng và ngồi quanh bếp lửa cùng bà con làm “khấu nô” – hay còn gọi là hoa cơm.

Ngoài ra, các nghệ nhân VCCA cũng đã trải nghiệm các món ăn đặc sắc như: chả nuậy hủng ta lấu, còng cay pính mựt sấng, khâu nhục, còng mủ giáng xa khúa máy tấm, còng mấn pính, đầ-u phụ rán chè khẻo, khấu đăm khấu đeng, khấu lẻ-ee, sắc bán thẻo mụa, sắc khẩm khúa say, sắc khảu hắt nô-ồm, ma-ác bán, ma-at tắp, lấu khấu nủa.

Giao lưu với nghệ nhân ẩm thực Hà Nội và tổng kết cuộc hành trình

Ngày 30/3, các nghệ nhân VCCA tới Hà Nội – điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình khảo sát di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh phía Bắc để tìm hiểu các món ăn, giao lưu với các nghệ nhân ẩm thực Hà Nội và tổng kết hành trình.

Hoạt động tại Hà Nội còn có sự tham dự của ông Phạm Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Trong khuôn khổ hoạt động tại Hà Nội, đoàn khảo sát đã trải nghiệm nhiều món ẩm thực đặc trưng của Hà Thành do nghệ nhân Lê Văn Khánh - Tổng bếp trưởng Nhà khách 37 Hùng Vương và các nghệ nhân ẩm thực Hà Nội dày công chế biến như cá kho trà cổ, xôi Phú Thượng, chả cốm Lê Gia Hà Thành, nem bùi, nem cát tần...

Các món ẩm thực đặc sắc của Hà Nội do các nghệ nhân ẩm thực Hà Nội trình diễn

Xuyên suốt cuộc hành trình khảo sát di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu kéo dài 7 ngày tại 5 tỉnh, thành phố phía Bắc, đoàn khảo sát đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình từ các đơn vị tài trợ tâm huyết với ẩm thực Việt Nam.

Nhà tài trợ chính: Công ty Cổ phần Hàng Tiêu Dùng Masan 

Các đơn vị tài trợ, hỗ trợ khác: 

- Công ty cổ phần tập đoàn CLB Lê Gia - Dự án wine mart 69

- Công ty cổ phần Phở xưa Nam Định

- Khách sạn Nam Cường, Nam Định

- Khách sạn Sojo Nam Định

- Ban Quản lý Khu du lịch tâm linh Tam Chúc

- Hội Văn hóa Ẩm thực Phú Thọ

- Ban quản lý khu du lịch sinh thái bản làng Thái Hải

- Hội nghệ nhân ẩm thực Hà Nội và các nhà cung cấp thực phẩm tại Hà Nội

Xem nhiều nhất

Sorry. No data so far.