Chung kết ‘Đi tìm người nấu phở ngon’: Cuộc trình diễn tinh hoa ẩm thực và sáng tạo
Chiều 12-12, cuộc thi 'Đi tìm người nấu phở ngon' năm 2021 chứng kiến sự trổ tài xuất sắc của các thí sinh đến từ nhiều quán phở trên cả nước.
Do dịch bệnh, có 2 thí sinh không thể đến tham dự, còn lại 8 thí sinh đã khuấy động không khí sự kiện trong buổi chiều nay.
Gala Ngày của phở 12-12 là nơi hội tụ ẩm thực khắp nơi, mỗi người về đây mang theo dấu ấn ẩm thực quê mình.
Thả hồn vào vị phở
Một trong số những thí sinh có màn trình diễn ấn tượng là anh Long Trọng Giới (số báo danh 007). Anh Giới mang đến cuộc thi món phở thố.
Gắn bó với ẩm thực hai năm, bên cạnh những tinh hoa truyền thống của món phở, anh Giới còn sáng tạo thêm món mọc bò.
"Vừa ra trường được 2 năm, mình gắn bó luôn với nghề đầu bếp. Món phở hôm nay mình đem đến được kết hợp giữa hương vị truyền thống và hiện đại, vì theo nghệ nhân Bùi Thị Sương nói, hai yếu tố này phải song hành mới phát triển được món phở.
Để phở thêm phần đặc biệt, mình đã thêm vào một chút nước tiềm mì, mọc bò tự làm, hy vọng ban giám khảo sẽ thích", anh Giới chia sẻ.
Thí sinh mang số báo danh 008 Phạm Quang Duy tạo ra món phở với cảm hứng từ sen. Bánh phở chế biến từ hạt sen tạo hương thơm, mềm mại. Nước dùng nấu theo cách truyền thống, thơm lừng và thanh ngọt.
Đến với chương trình, anh Duy cũng như bao thí sinh khác muốn lan tỏa tình yêu phở Việt.
Là thí sinh nữ duy nhất cuộc thi, cô Vũ Thị Đào chia sẻ đã có 35 năm gắn bó với phở. Vòng thi trước cô Đào đã gây ấn tượng với ban giám khảo khi đem đến món phở xào. Vòng thi này cô muốn ban giám khảo chú ý hơn đến nước dùng nên đã mang đến tô phở thập cẩm đầy ắp.
Thuyết trình về phần thi của mình, cô Đào nói: “Bên cạnh những nguyên liệu cơ bản của phở, tôi còn cho thêm sá sùng để nước thêm ngọt. Ngoài ra tôi cho thêm thịt ức gà để hầm nước dùng mang lại vị khác hơn so với dùng xương đơn thuần”.
"Các thí sinh quá xuất sắc!"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sau khi kết thúc phần chấm thi, nghệ nhân ẩm thực UNESCO Hoàng Minh Hiền cho hay mỗi quán phở mang đến hương vị rất đặc trưng, khiến bà đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Theo bà Hiền, các thí sinh sử dụng gia vị Việt Nam rất phong phú, đúng theo chủ đề Gia vị Việt năm nay.
"Có bạn nấu phở thêm lá dứa, loại lá mà trước giờ tôi chỉ nghĩ là dùng để nấu chè. Có bạn thì dùng hạt kỷ tử mà mình cũng chỉ nghĩ là dùng cho món hầm thuốc bắc. Các bạn đã khéo léo phối hợp thành vị phở rất đặc trưng. Mỗi vùng miền đều có cái riêng, và tôi rất là thú vị với 8 bạn thí sinh hôm nay", bà Hiền nói và cho biết rất khó để chọn ra 5 giải Hoa hồi vàng vì các thí sinh đều quá xuất sắc.
Bà Hiền cũng chia sẻ tiêu chí chấm thi của mình vẫn là giữ đúng vị truyền thống phở Việt. Sau đó chấm đến hai phần: thịt chín và thịt tái. Thịt phải mềm và thơm, không được dai, và sẽ cộng điểm cho sự phá cách.
Đây là năm đầu tiên bà Hoàng Minh Hiền làm giám khảo cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon". Trước đó, bà Hiền có chấm sơ khảo ở Hà Nội, hôm qua bay vào TP.HCM để chấm thi chung kết. "Các bạn đã hoàn thành xuất sắc phần thi của mình, làm ban giám khảo được thưởng thức nhiều tô phở khác biệt", nghệ nhân ẩm thực bày tỏ.
Tương tự, á quân Master Chef 2017 Đỗ Nguyễn Hoàng Long cũng tỏ ra hài lòng. Anh nhận định cuộc thi tổ chức khá chuyên nghiệp và chỉn chu, thí sinh được hỗ trợ nhiều.
"Hôm nay vào cuộc thi, thách thức đặt ra là các bạn phải mang món ăn mình ra nấu ở sân khấu từ 7h sáng tới 18h, điều đó sẽ khó thực hiện hơn nấu ở nhà. Điều kiện sân khấu nhộn nhịp cũng buộc thí sinh phải tập trung.
Theo quan sát, tôi thấy thí sinh có sự sáng tạo trong món ăn và đánh giá rất cao. Sự sáng tạo làm cho món phở trở nên thú vị, hấp dẫn hơn chứ chưa nói đến chuyện ngon hay không. Việc sáng tạo giúp phở có nhiều màu sắc mang tính vùng miền, sự phong phú về ẩm thực Việt Nam trong món phở", anh Long nói trước lúc chuẩn bị vào họp cùng ban giám khảo để đưa ra kết quả cuối cùng.
Trong lúc chấm phở, nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương lưu ý các thí sinh về cách chọn gia vị đó là không nên dùng cam thảo để nấu phở. Bà Sương cho hay nhiều người chưa rành, muốn nước phở ngọt đã thêm cam thảo vào nấu. Tuy nhiên, cam thảo không hợp nấu nước dùng, nên hạn chế sử dụng.
"Ở trường du lịch, tôi đã mời những nghệ nhân nổi tiếng ở Bắc vào để hướng dẫn các học viên, và chưa từng thấy nghệ nhân nào dùng cam thảo nấu nước dùng", bà Sương nói. Cùng quan điểm, nghệ nhân ẩm thực Hoàng Minh Hiền cũng cho rằng cam thảo làm cho nước đọng vị ngọt ở cổ, giống ăn đường hóa học làm mất ngon.
Kết quả cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" đã được công bố trong Gala Ngày của phở diễn ra tối 12-12, với 5 Hoa hồi Vàng và 3 Hoa hồi Bạc. Ngoài ra, hai thí sinh không thể đến tham dự chương trình do dịch bệnh được mặc định đạt giải Hoa hồi Bạc.
5 Hoa hồi Vàng 2021 được vinh danh gồm: anh Trần Minh Khuê (TP.HCM); anh Phạm Quang Duy (TP.HCM); anh Võ Công Hậu (Bến Tre); anh Nguyễn Xuân Thấu (Hà Nội); chị Nguyễn Minh Phương (Hà Nội).
3 Hoa hồi Bạc 2021 gồm: anh Hoàng Đình Đoàn (Đắk Lắk), bà Vũ Thị Đào (TP.HCM); anh Long Trọng Giới (TP.HCM).