5 món ăn đáng thử của ẩm thực Thái Lan

Do admin 23/09/2019

Ẩm thực Thái Lan có thể nói là một sự hòa trộn tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống. Mỗi món ăn như một tinh tế giữa vị cay, chua, ngọt và đắng. Cũng như tất cả các nước khác, nền ẩm thực Thái Lan gói gọn trong từng muỗng canh, đũa gắp, hòa quyện và biến đổi phong phú trong cảm nhận của từng người khách xa xứ.

Tom Yum Goong - canh tôm cay mặn mà

Nét đặc trưng trong ẩm thực người phương Đông nằm trong những món canh. Ở phương Tây, người ta xem súp là một món ăn riêng biệt, không cần phải có thức ăn kèm. Nhưng ở phương Đông, những tô canh nóng để giữa mâm cơm luôn được xem là linh hồn của bữa ăn, hương vị của món canh sẽ quyết định lên hương vị của các món khô còn lại. Tom Yum Goong như một lời khẳng định mạnh mẽ cho ẩm thực Thái với vị cay nồng và chua đặc trưng. Món canh tôm này sẽ chỉ ngon khi loại tôm dùng làm nguyên liệu là loại tôm tươi ngon nhất, và những loại lá rau thơm được sử dụng một cách vừa tay, làm dậy lên hương vị món ăn.

Có hai loại canh tôm, một loại canh nước trong và một loại canh nước đặc. Để nước canh được đặc và thơm, người Thái hay thêm nước cốt dừa hoặc sữa. Cách chế biến này làm dịu bớt những hương vị đôi phần mạnh mẽ, cũng thể hiện được cái hồn Á Đông phảng phất trong vị beo béo, cay nóng. Cái tên "Tom Yum" cũng có ý nghĩa riêng, "tom" có nghĩa là nấu sôi, và "yum" là tên của một loại gỏi chua cay của Lào và Thái Lan.

Hút lòng du khách với gỏi đu đủ cay Som Tam

Có lẽ ở các nước phương Tây, việc sử dụng đu đủ non trong nấu nướng là một khái niệm khá lạ lẫm. Do đó, khi đến Thái Lan, som tam luôn nằm trong danh sách những món-ăn-phải-nếm-thử của người du khách. Khá tương tự với những món gỏi đu đủ trứ danh ở Việt Nam, som tam cũng mang trong mình vị sẩn sận đặc trưng của quả đu đủ xanh bào sợi, vị chua thấm nhuần của nước chanh tươi, vị mặn nồng khó quên của tôm khô và sự giòn tan của đậu phộng rang nóng.

Cái ngon của những món gỏi luôn nằm ở bàn tay pha chế nước chấm của người đầu bếp. Nước chấm ở mỗi nơi là mỗi khác, người ta không phân biệt được sự khác nhau nằm ở đâu, trong nguyên liệu nào, hương vị chỉ dậy lên khi tất cả đã hòa quyện vào nhau. Nước chấm thường là nước mắm pha đường, chanh và ớt. Som tam đôi khi còn được ăn kèm với bún để làm dịu vị cay, và cũng để người khách đi đường được chắc bụng trong quãng đường dài sắp tới.

Đến Thái Lan không thể bỏ qua cà ri xanh đỏ


Ẩm thực Thái có 4 loại cà ri cơ bản: cà ri đỏ, cà ri xanh, cà ri Penang và cà ry Massaman. Cà ri đỏ là phổ biến nhất, dùng nhiều nước cốt dừa và đặc biệt là vị rất cay. Cà ri Penang thì có vị ngọt, không cay như cà ri đỏ. Cà ri Massaman là món cà ri đặc trưng cảu khu vực miền Nam và bờ biển.
Món ăn là sự kết hợp tinh tế giữa thảo quả và quế. Phổ biến trong các ngày lễ, Tết là cà ri xanh. Nguyên liệu chính của cà ri này là thịt gà hoặc heo, nước cốt dừa, tương cà ri xanh, cà tím cùng nhiều loại gia vị.

Nói đến cà ri thì cũng không thể quên Ấn Độ nổi tiếng với các hương vị và độ cay khác nhau như cà ri gà, cà ri bò, cà ri dê, cà ri bắp cải… Tuy nhiên, do cách ăn bằng tay đặc trưng nên món cà ri của người Ấn được chế biến ở dạng khô hơn.

Pad Thai - công thức phở xào lạ lẫm của Thái

Theo một nguồn tài liệu, Pad Thai được những người lái buôn Việt đem công thức thủ phủ cổ xưa của Thái Lan Ayuthaya để lấy lòng đức vua với tên gọi là phở xào. Sau đó, món ăn đã thay đổi vài thành phần để phản ánh đúng hương vị Thái và được đặt lại tên Pad Thai.

Cũng có người cho rằng, cuối những năm 1930 và 1940 để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Thái và đô thị hóa, món phở xào đã được chính phủ đặt lại tên Pad Thai trong một chiến dịch tránh lãng phí lúa gạo nhằm khuyến khích người Thái kinh doanh bán bún từ đường phố và trong các nhà hàng nhỏ. Từ đó, Pad Thai đã trở thành một trong các món ăn quốc gia của Thái Lan.

Vì thế, Pad Thai còn được người Việt Nam gọi vui là “phở xào kiểu Thái”. Một món Pad Thai hấp dẫn phải tươi ngon, khô cùng với độ đậm đà vừa phải. Món ăn có màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm trộn lẫn các màu xanh, trắng, đỏ của hẹ, giá và tôm.

Đi tìm ý nghĩa đặc biệt trong chè chuối Kluay Buat Chee
Đã đến với xứ sở trái cây nhiệt đới, không ai có thể không thử món chè chuối kluay buat chee này. Được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản, giữ nguyên hương vị tươi ngon của chuối, kluay buat chee mang trong mình một ý nghĩa rất đặc biệt và lạ lẫm.
Trong trường phái Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) ở Thái Lan, những sư cô thường cạo đầu và cả lông mày, mặc áo cà sa trắng và sống trong chùa. Từ đó, người ta liên tưởng hình ảnh món chè chuối nước cốt dừa này với hình ảnh người sư cô áo trắng và món ăn này từ đó mang biểu tượng như vậy.

Để nấu món chè chuối này, người ta thường rang mè trước, sau đó đun sôi một ít nước rồi từ từ đổ nước cốt dừa vào. Sau đó, ta cho chuối đã cắt miếng vào nồi rồi đun sôi lên và thêm đường tùy theo độ hảo ngọt. Người ta cũng hay cho một ít muối để cân bằng hương vị cho món ăn. Món ăn này không có một công thức xác định nào, mỗi người nấu bếp biến hóa những nguyên liệu tùy theo sở thích của họ, từ đó tạo ra những hương vị đặc trưng phong phú ở các vùng miền khác nhau trên đất nước Thái Lan.

Như những nền ẩm thực khác, ẩm thực Thái Lan phản ánh đặc trưng phong cách ẩm thực của người phương Đông, hương vị mạnh mẽ, đầy thử thách nhưng hòa quyện rất tinh tế và hấp dẫn.

Xem nhiều nhất

Sorry. No data so far.