An toàn vệ sinh thực phẩm để giữ nét văn hóa ẩm thực đường phố

Do admin 23/09/2019

Ẩm thực là một phần văn hóa của mỗi quốc gia, chính những món ăn đường phố vừa hấp dẫn, vừa rẻ tiền lại thể hiện một cách đầy đủ và rõ nét nhất tinh hoa văn hóa ấy.

Là thực phẩm được chế biến dùng để ăn ngay, uống ngay, bày bán trên đường phố, nơi công cộng hoặc trên những gánh hàng rong, thức ăn đường phố với sự tiện lợi, giá cả phải chăng, đa dạng và hấp dẫn… ngày càng trở nên phổ biến và là một phần thiết yếu của người dân đô thị. Đặc biệt là tại Hà Nội, quan niệm các món càng ngon càng phải lê la vỉa hè, thậm chí, có những con phố, chỉ cần nhắc đến tên, người nghe đã biết ở đó có bán món gì: nhắc đến phố Cầu Gỗ là sẽ gắn với những món hải sản hấp dẫn; đến phố Tô Tịch bạn có thể thoải mái lựa chọn và thưởng thức các món hoa quả dầm; uống bia hơi, hãy đến Tạ Hiện; muốn thưởng thức món lòng nướng đặc biệt, hãy đến phố Gầm Cầu; hay khi thích ăn lẩu, phố Phùng Hưng sẽ là lựa chọn lý tưởng…, việc ngồi túm năm tụm ba, cười nói rôm rả, chen chúc giữa dòng người qua lại, đã tạo nên nét văn hóa ẩm thực rất riêng của người Hà Thành. Thậm chí, năm 2014, Tạp chí du lịch Lonely Planet của Anh đã ví Hà Nội là một trong những “thiên đường ẩm thực” trên thế giới.

Tuy hấp dẫn là vậy, thuận tiện là vậy, nhưng thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm ở mọi lứa tuổi, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng, thậm chí là cả cộng đồng. Bởi, đa số người kinh doanh mặt hàng này thường sử dụng nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sử dụng phụ gia thực phẩm bừa bãi, không đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến, nguồn nước sử dụng bị ô nhiễm, các chất thải, rác thải xả ra một cách bừa bãi..., trong khi hoạt động kinh doanh thực phẩm đường phố cũng khó kiểm soát do sự đa dạng, cơ động, tạm thời.

Bởi vậy, để có thể yên tâm thưởng thức những món ăn đường phố, bản thân mỗi thực khách cần phải hiểu rõ những điều kiện cơ bản để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố:

Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố:

Phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố.

Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố:

Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh; bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm; có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh; tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trách nhiệm quản lý kinh doanh thức ăn đường phố:

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố; Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn.

Xem nhiều nhất

Sorry. No data so far.