Chung sức đưa nông sản Việt vươn lên vị trí hàng đầu thế giới
Tại Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vừa qua tại Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới.
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít
Theo thống kê, tính đến hết tháng 6/2018, cả nước ước chỉ có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.
Dù có những chính sách ưu tiên của Chính phủ, các doanh nghiệp tại hội nghị vẫn phản ánh về tình trạng gặp khó khăn ở một số vấn đề chính như thủ tục hành chính phức tạp; quỹ đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn; ứng dụng khoa học công nghệ; liên kết chuỗi giá trị sản xuất mới chỉ ở bước đầu…
Phát biểu tại Hội nghị, bà Hương Trần Kiều Dung, TGĐ Tập đoàn FLC nêu thực tế, hiện phần lớn quỹ làm nông nghiệp được giao cho các hộ dân với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Bởi vậy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ gặp khó khăn về quỹ đất.
Theo đại diện Tập đoàn FLC, các nông lâm trường hiện nay đang sở hữu quỹ đất rất lớn nhưng không hiệu quả, năng suất kém, không có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ và chưa được đầu tư bài bản. Điển hình như nhiều nông trường cao su có sản lượng thấp, nhiều địa phương mong muốn mời các doanh nghiệp vào đầu tư tái cơ cấu cây trồng nhưng vướng giá đền bù cây cao su cao.
Doanh nghiệp nông nghiệp - cốt lõi để phát triển ngành
Bà Hương Trần Kiều Dung, TGĐ Tập đoàn FLC phát biểu tại hội nghị
Đại diện Tập đoàn FLC cho biết thêm, trước cơ hội và tiềm năng phát triển nông nghiệp của Việt Nam, Tập đoàn FLC có định hướng đầu tư quy mô lớn với chuỗi giá trị khép kín từ khâu chuẩn bị giống, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cho đến triển khai các vùng sản xuất tập trung, xây dựng nhà máy chế biến cũng như hệ thống phân phối, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, Tập đoàn FLC cũng định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái – một xu hướng du lịch xanh đang được ưa chuộng trên thế giới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội, có thể khai thác, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần chung sức để đưa nông sản Việt vươn lên vị trí hàng đầu thế giới.
Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng cho rằng, cốt lõi là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư trong ngành nông nghiệp. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp.
Chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải khi đầu tư vào nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, cần sớm tháo gỡ những vướng mắc, nhất là về đất đai. Đất đai là "cần câu chứ không phải con cá", “để chúng ta sản sinh ra năng lực sản xuất mới cho sự phát triển”.
Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT và Bộ Công Thương khẩn trương ban hành, sửa đổi các cơ chế, chính sách nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Chú ý nghiên cứu xây dựng 3 ngành chế biến đứng vào tốp 5 của thế giới: Rau củ quả, thủy hải sản và dược liệu, cùng một số sản phẩm thế mạnh khác như tôm, gạo…
Như Loan
(Nguồn: baodautu.vn)