Phục hồi ngành dich vụ ăn uống trong bối cảnh đại dịch: Có linh hoạt thì mới sớm phục hồi
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo“Tài trợ chuỗi cung ứng: Giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu sự đứt gãy chuỗi cung ứng ngành F&B tại Việt Nam”. Hội thảo do Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 15.12 với nhiều điểm cầu trực tuyến.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề cập đến vấn đề về thực trạng ngành F&B (dịch vụ ăn uống) hiện nay; cơ hội, thách thức, định hướng phát triển… để giúp các doanh nghiệp ngành F&B sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay và tiếp tục phát triển.
F&B “thấm đòn”
Nhiều đại biểu khẳng định, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải hứng chịu những thiệt hại không đáng có. Không nằm ngoài những diễn biến tiêu cực này, ngành F&B thuộc nhóm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, tức thì của đại dịch. Ngay cả khi đại dịch kết thúc, ngành dịch vụ ăn uống dường như vẫn sẽ gặp nhiều gặp nhiều cản trở do sự thay đổi về cách thức kinh doanh và hành vi khách hàng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa và Ẩm thực Việt Nam cho biết: “Năm 2020, 2021 là hai năm chứng kiến đại dịch càn quét thế giới. Dự báo, dịch bệnh vẫn sẽ diễn biến khó lường và mất nhiều thời gian mới đi đến hồi kết. Di chứng do Covid-19 để lại cũng hết sức nặng nề. Riêng đối với ngành F&B, theo báo cáo của VietNam Report, trong năm 2020, chỉ 48% doanh nghiệp F&Bcủa Việt Nam chịu ảnh hưởng ít hoặc không nghiêm trọng bởi đại dịch. Nhưng sang năm 2021, con số này đã tăng lên tới 91%”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Kiên (Phó Tổngthư ký hiệp hội Văn hóa và Ẩm thực Việt Nam) nhận định: “Trước khi đại dịch xuất hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường ẩm thực, đồ uống hấp dẫn nhất toàn cầu, xếp thứ 10 Châu Á vào năm 2019. Việt Nam cũng từng được vinh danh là điểm đến ẩm thực hàng đầu Châu Á. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch bùng phát, ngành F&B của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề khi số doanh nghiệp trong ngành bị thiệt hại nghiêm trọng lên đến hơn lên hơn 90%. Các doanh nghiệp đối mặt với khó khăn trong nguồn cung nguyên liệu khi giá cả tăng cao. Việc cung cấp sản phẩm ra thị trường gặp vấn đề khi các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ phải dừng hoạt động do giãn cách”.
Thực tế, đại dịch xảy ra như một “cú đánh trực diện” vào doanh nghiệp F&B. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Minh Phú (Tổng Giám đốc của chuỗi Nhà hàng Thế giới hải sản) cho hay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như giãn cách xã hội, doanh thu của các doanh nghiệp F&B giảm sâu. Doanh thu giảm 30% so với thời điểm trước đại dịch. Trong khi đó để sớm phục hồi, các doanh nghiệp này phải tăng chi phícho chương trình khuyến mại để hút khách. Chi phí phòng dịch như mua khẩu trang, nước rửa tay tăngcũng tăng. Thậm chí, doanh nghiệp F&B vẫn phải trả tiền mặt bằng ngay cả khi không hoạt động. Chính những yếu tố này đã khiến doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn về vận hành trong bối cảnh dịch bệnh.
Thay đổi để tăng “sức đề kháng”
Trong bối cảnh ngành dịch vụ ăn uống của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề, ông Đoàn Minh Phú cho biết thêm, bản thân doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cần linh hoạt hơn trong các giải pháp ứng phó. Đảm bảo được vận hành hiệu quả nhưng vẫn tiết kiệm được các chi phí, kéo dài thời gian chống đỡ của doanh nghiệp F&Bvới đại dịch.
Theo đó, ông Đoàn Minh Phú nêu doanh nghiệp nên giảm quy mô số lượng nhà hàng do lượng khách giảm. Chi phí nhân sự phải được tính toán rất kỹ để tránh tình trạng nhân sự phải nghỉ việc hàng loạt. Đặc biệt, chi phí mặt bằng là một trong những khoản chi lớn của doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần thương lượng lạitheo hướng đôi bên cùng có lợi. Để làm được điều này, các doanh nghiệp F&B đang rất mong muốn có được khung pháp lý phù hợp.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin: “Du lịch, F&B là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19. Để hỗ trợ doanh nghiệp F&B nói riêng và các doanh nghiệp nói chung, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi. Về người lao động, Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho người lao động khi thu nhập mất hoặc suy giảm do mất việc làm. Bên cạnh đó, việc giãn, hoãn nghĩa vụ tài chính với doanh nghiệp cũng đang tích cực triển khai. Ngoài ra,các bên liên quan cũng đã có những kiến nghị làm thế nào để có thêm chính sách miễn thuế thu nhập, giảm thuế VAT, chi phí điện nước cho doanh nghiệp”.
Song song với đó để nhanh chóng phục hồi, ông Nguyễn Hoa Cương đề nghị, doanh nghiệp F&B cầnáp dụng công nghệ cho mọi lĩnh vực, tinh gọn bộ máy để tránh phát sinh thêm chi phí không cần thiết. Bên cạnh đó, ngành F&B nên định hình lại cách thức cung cấp dịch vụ đến khách hàng, có thêm trải nghiệm thú vị cho khách như nior (ăn uống trong bóng tối), tăng cường bán hàng mang đi để tăng doanh thu…
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng nhấn mạnh để giải quyết những thách thức hiện tại, các doanh nghiệp cần liên kết các nguồn lực, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực F&B. Nhờ đó, hình thành được lực lượng F&B tiên phong, kéo theo sự phát triển của những doanh nghiệp cùng lĩnh vực khác.