[PHIÊN THẢO LUẬN BUỔI CHIỀU] HỘI THẢO TÀI TRỢ CHUỖI CUNG ỨNG: GIẢI PHÁP HỮU HIỆU GIÚP GIẢM THIỂU ĐỨT GÃY CHUỖI CUNG ỨNG TRONG NGÀNH F&B TRONG VÀ SAU ĐẠI DỊCH
Chiều 15/12/2021, Hội thảo “TÀI TRỢ CHUỖI CUNG ỨNG: giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng trong ngành F&B trong và sau đại dịch” tiếp tục diễn ra.
Mở đầu phiên thảo luận buổi chiều, đại diện VP Bank đã chia sẻ nhiều giải pháp mà ngân hàng thực hiện trong thời gian qua nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp SME. Trong đó, VP Bank đã mở ra các chương trình tài trợ chuỗi cung ứng, chương trình tài trợ nhà phân phối, đại lý và giải pháp tài chính Hộ kinh doanh.
Tổng quan chương trình hợp tác này của VP Bank sẽ bao gồm 3 nhóm đối tượng:
(1) Nhà cung cấp với chương trình tài trợ bao thanh toán bên bán hàng nội địa.
(2) Khách hàng trung tâm (Anchor) với chương trình tài trợ vốn lưu động; tài trợ vốn trung dài hạn đầu tư tài sản cố định và tài trợ chuỗi.
(3) Nhà phân phối với chương trình tài trợ chuỗi nhà phân phối, đại lý.
Chia sẻ về lợi ích của các doanh nghiệp SME khi sử dụng sản phẩm bao thanh toán, đại diện VP Bank cho biết, các nhà cung cấp có thể tiết kiệm thời gian và chi phí, ứng tiền sớm và tỷ lệ ứng tiền cao tới 100% giá trị hóa đơn; đối với CP, giải pháp này sẽ giúp tăng tính thanh khoản do kéo dài thời hạn phải trả, tăng vị thế và tăng khả năng đàm phán; quan trọng hơn hết là tính năng Tự động hóa toàn bộ khâu giải ngân thanh toán cho nhà cung cấp qua hệ thống SCF- Veefin APP (VP Bank Money). Nhà cung cấp, nhà thầu còn hiệu lực với Anchor, được Anchor giới thiệu và không có nợ quá hạn theo báo cáo của ngân hàng nhà nước sẽ là đối tượng phù hợp với chương trình này.
Đối với chương trình tài trợ chuỗi nhà phân phối, đại lý, đại diện VP Bank chia sẻ, mục đích của chương trình này là Tài trợ chuỗi hệ thống phân phối là các Đại lý/Nhà phân phối cho Anchor với đối tượng khách hàng là các pháp nhân, Khách hàng Doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp nhân; các cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân/hộ kinh doanh. Chương trình này cũng sẽ giúp cung cấp trải nghiệm dịch vụ Digital cho nhà phân phối/đại lý (người mua), tiết kiệm thời gian và chi phí, ứng tiền sớm và tỷ lệ ứng tiền cao tới 100% giá trị hóa đơn; đối với Anchor, giải pháp này sẽ giúp tăng tính thanh khoản do kéo dài thời hạn phải trả, tăng vị thế và tăng khả năng đàm phán; quan trọng hơn hết là tính năng Tự động hóa toàn bộ khâu giải ngân thanh toán cho nhà cung cấp qua hệ thống SCF- Veefin APP (VPBank Money).
Cuối cùng, đại diện VP Bank cho biết, ngân hàng đã cho ra mắt CommCredit – một sản phẩm được thiết kế chuyên biệt cung cấp các giải pháp tài chính dành cho khách hàng Hộ Kinh Doanh (bao gồm các cá nhân tự doanh và hành nghề chuyên môn).
CommCredit cung cấp các giải pháp tài chính để đáp ứng cả nhu cầu kinh doanh và tiêu dùng thông qua các sản phẩm cho vay có hoặc không có tài sản đảm bảo, các sản phẩm phi tín dụng như tiền gửi, thẻ thanh toán, Pos/Ví thanh toán, bảo hiểm… Dịch vụ: Đơn giản, Nhanh chóng và Dễ tiếp cận cùng Hệ thống Mạng lưới có mặt tại 46 tỉnh thành trên khắp Việt Nam, đây được xem là một mô hình phù hợp để nắm bắt cơ hội kinh doanh.
Ông Gianluca Pizzituti, Tổng Giám đốc, Velotrade Management Limited chia sẻ về sự khác biệt giữa Velotrade với ngân hàng
Velotrade là công ty Fintech cung cấp nền tảng tài trợ thương mại kỹ thuật số phục vụ các yêu cầu về tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu toàn cầu. Tại Hội thảo, ông Gianluca Pizzituti – Tổng Giám đốc Velotrade đã chia sẻ về sự khác biệt của Velotrade với ngân hàng.
Cụ thể, Velotrade tập trung đánh giá bên mua, khác với các ngân hàng là đánh giá bên bán. Velatrade hiện có văn phòng ở Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, có mạng lưới các nhà đầu tư, lịch sử hoạt động với ngân hàng nên có cách hành xử khác ngân hàng. Velotrade mong muốn được cung cấp các giải pháp hiệu quả, nhanh chóng, trong đó có tài trợ chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Lin Huang - Chuyên gia cao cấp, Trưởng Nhóm Cơ sở Hạ tầng Tài chính, Bộ phận Tư vấn các Định chế Tài chính, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, IFC chia sẻ
Trình bày tại cuộc Hội thảo, Bà Lin Huang đã chia sẻ ví dụ minh họa về các Doanh nghiệp F&B tiếp cận tài chính thông qua các khoản phải thu và hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh. Bà Lin Huang đã lấy ví dụ về việc tài trợ Khoản phải thu (KPT) trên Nền tảng điện tử Culinary (Culinary E-Platfrom) và Tài trợ Đơn hàng để các doanh nghiệp F&B các đại biểu tham gia Hội thảo có cái nhìn rõ nét hơn về kinh nghiệm quốc tế trong tài trợ chuỗi cung ứng.
Tiếp đó, các đại biểu tham gia Hội thảo đã tìm hiểu kỹ hơn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp F&B của ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (Fintech).
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho biết, ngành F&B đã thay đổi rất nhanh trong việc setup (thiết lập) hệ thống phân phối, thay đổi nhằm giảm chi phí để sống sót trong đại dịch. Tuy vậy, cách tiếp cận của hệ thống Fintech hay các ngân hàng vẫn chưa linh hoạt, chưa đồng hành được cùng với hệ thống F&B. Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cũng gợi ý cho riêng ngân hàng VP Bank về việc phối hợp cùng chuyên gia VCCA để xây dựng một giải pháp hỗ trợ dành riêng cho doanh nghiệp F&B trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Phát biểu kết thúc cuộc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, ngành F&B hiện nay đang bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch bệnh, làm gãy đổ chuỗi cung ứng và phân phối đc hình thành qua nhiều năm, dẫn đến ngành F&B rất khó và rất lâu mới vực lại được. Vì vậy ông đánh giá Hội thảo là tín hiệu cho thấy sự chung tay của những định chế tài chính giúp vực dậy nền kinh tế F&B.
Ông cũng bày tỏ mong muốn các ngân hàng và định chế tài chính nói chung hỗ trợ các doanh nghiệp F&B, mạnh dạn đi trước một bước để hỗ trợ thúc đẩy hệ thống SME và F&B đang lao đao.
Trong khuôn khổ cuộc Hội thảo đã diễn ra lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa VCCA và VP Bank. Theo đó, hai bên cùng xúc tiến các hoạt động hợp tác, liên kết, cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính theo quy định của VPBank nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các Hội viên của VCCA tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, hướng dẫn thủ tục hồ sơ vay vốn, hỗ trợ tiếp cận vốn vay nhằm giúp doanh nghiệp ngành ẩm thực vượt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, hai bên cũng phối hợp nghiên cứu, xây dựng, thực hiện các chương trình hợp tác trên nền tảng sự kết hợp sản phẩm, dịch vụ tài chính với việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thưc, gắn với bảo tồn, và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; phát huy, khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền, góp phần tạo dựng, quảng bá thương hiệu nổi bật của ẩm thực Việt Nam đến người dân trong nước và quốc tế.