Hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) – 16/01/2025

Do VP VCCA 20/01/2025
Ngày 16/01/2025, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã tổ chức thành công Hội nghị Ban Thường vụ và Ban Chấp hành tại TPHCM với sự tham dự đông đủ của các Ủy viên Ban Thường Vụ, Ban Chấp Hành, Ban Kiểm Tra và Hội đồng tư vấn. Đây là dịp quan trọng để các thành viên của VCCA cùng nhìn lại những kết quả đạt được trong năm 2024 và hoạch định kế hoạch hoạt động cho năm 2025. Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã thông qua Báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 và Dự thảo kế hoạch hoạt động 2025 của VCCA và các Ban/Chi hội trực thuộc VCCA. Những kết quả đạt được trong năm 2024 cũng góp phần khẳng định sự phát triển của VCCA. Hội nghị cũng đã dịp để các ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành chia sẻ ý kiến đóng góp, đưa ra những phương án cải tiến và bổ sung, nhằm nâng cao hiệu quả công tác và đảm bảo sự phát triển đồng bộ, lâu dài của VCCA. Các ý kiến này sẽ được tiếp thu và triển khai trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển chung của Hiệp hội. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, đồng thời ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch quốc tế. Xu hướng này mang đến nhiều cơ hội cho việc quảng bá và phát triển thương hiệu ẩm thực Việt Nam trên trường quốc tế. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch VCCA đã nhận định cần nắm bắt cơ hội từ sự phát triển du lịch, sự thay đổi chính sách và hội nhập quốc tế. Từ đó, Chủ tịch và các thành viên Ban Chấp Hành VCCA đã đặt mục tiêu cho năm 2025 với nhiều hoạt động:
  • Tiếp tục phát triển số lượng hội viên mới và đảm bảo quyền lợi cho các hội viên, tạo sự gắn bó và tiếp tục cống hiến từ hội viên. Hướng dẫn thành lập thêm các Chi hội trực thuộc VCCA như Chi hội Văn hóa Trà Việt, Chi hội Phở Việt Nam … và các Hiệp hội Văn hóa ẩm thực địa phương
  • Đề án “Tổng tập Ẩm thực Việt Nam kết nối cộng đồng” hướng đến “Bách khoa Toàn thư Ẩm thực Việt”. Đây là đề án trọng điểm của VCCA. Xây dựng một “SuperApp” trên nền tảng số hóa liên kết toàn bộ chuỗi hoạt động với giá trị cốt lõi của VCCA
  • Tổ chức sự kiện "Công bố hành trình tìm kiếm và xác lập kỷ lục Việt Nam bộ sưu tập 365 món ăn đặc sắc Việt Nam với nước mắm"
  • Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức công nhận, vinh danh các Nghệ nhân văn hóa ẩm thực và Nhà Nghiên cứu Văn hóa ẩm thực
  • Định vị và đưa ra các trường đào tạo chuyên môn về các món ăn món uống nổi tiếng, cách thức chế biến. Tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn và nâng cao chuyên môn nghề, nhằm nâng cao chất lượng và phát triển nghề nghiệp trong ngành ẩm thực, khuyến khích các sáng tạo mới trong việc giới thiệu các món ăn đặc trưng của từng vùng miền. Những mục tiêu này không chỉ giúp duy trì sự đa dạng của ẩm thực Việt Nam mà còn tạo ra cơ hội phát triển cho các thế hệ trẻ trong ngành.
  • Cam kết tiếp tục đồng hành cùng các Hiệp hội/Hội địa phương, cơ quan, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tổ chức các sự kiện, lễ hội ẩm thực, cuộc thi … nhằm thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế và phát triển du lịch ẩm thực, góp phần tạo dựng thương hiệu quốc gia qua món ăn.
Với sự thống nhất cao của Ban Thường vụ và Ban Chấp hành, hội nghị đã khép lại thành công, mang lại những định hướng rõ ràng và sự quyết tâm lớn lao cho một năm 2025 đầy hứa hẹn. Các đại biểu đều tin tưởng rằng, dưới sự dẫn dắt của VCCA, ngành văn hóa ẩm thực Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vươn xa và đóng góp vào sự phát triển chung của nền văn hóa dân tộc.