Dấu ấn trà – rượu trong văn hóa ẩm thực
Ngoài “thực” - món ngon thì “ẩm” - thức uống đóng vai trò rất quan trọng trong văn hóa ăn uống. Nếu thiếu tách trà thơm, cốc rượu nồng nàn thì bữa ăn dẫu có sơn hào hải vị cũng vô nghĩa. Vì thế, hai yếu tố này hợp thành cùng cao lương mỹ vị ba miền mới làm nên bức tranh đa sắc của ẩm thực Việt Nam.
Văn hóa thưởng trà của người Việt
Là một quốc gia có truyền thống uống trà lâu đời, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ rất nhiều loại trà, từ các loại trà truyền thống cho đến các loại trà được du nhập từ nước ngoài. Không rõ văn hóa thưởng trà xuất phát tự bao giờ, chỉ biết tại các tỉnh miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Hòa Bình, Yên Bái… đến nay vẫn còn những cây trà cổ thụ có đường kính đến 2-3 người ôm ko xuể, phải bắc thang bằng cả cây tre, trèo lên mới hái được búp non. |
Người Việt cũng có vô vàn cách sao ướp trà đạt đến độ đỉnh cao nổi tiếng như: trà Tước Thiệt, trà Móc Câu, trà San Tuyết, Trà nhài, trà Hoa Sói, trà hoa Ngâu, trà ướp Sen của đất Thăng Long. Đơn giản nhất là trà tươi với lá xanh rửa sạch cho vào ấm đun nước, thêm vài lát gừng tươi đun sôi để uống dần. Nước trà có xanh tươi phảng phất hương thơm tinh khiết của lá quyện với gừng tươi.
Trà nụ (nụ hoa trà) làm từ những nụ non hái trong khoảng tháng 10 đến tháng 11 dương lịch, có hàm lượng cafein thấp nên được phụ nữ và người già ưa dùng. Chè Bạng gồm lá chè già giã nát có màu xanh đen hơi đỏ. Trà mạn Hà Giang là các búp trà non một tôm 2 lá thuộc giống chè Tuyết cuống dài, nước hơi đỏ, vị dịu mát.
Trà Ô Long trồng nhiều ở Lâm Đồng có màu nước vàng kim óng ánh, hương thơm ngọt, vị thanh. Hiện nay Trà Ô Long gồm gồm 4 giống chính: Kim Xuyên, Thuý Ngọc, Tứ Quý và Thanh Tâm. Trong đó, trà Ô Long Tứ Quý được ưa chuộng nhất vì hương thơm phảng phất mùi quế và vị thanh, không làm gắt cổ họng.
Trà hoa tươi là nét đặc trưng riêng của trà Việt Nam với nhiều loại hoa tươi dùng để ướp chung với trà như: sen, lài, ngọc lan, hoa sói, hoa ngâu, hoa bưởi, hoa quế… Mỗi nhà sản xuất có bí quyết công nghệ gia truyền riêng nên hương vị cũng có chút khác biệt. Đặc biệt, những năm gần đây tại Việt Nam có thêm trào lưu trà chanh vỉa hè và hương vị trà sữa Đài Loan, Thái Lan… thu hút đông đảo giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng.
Mỹ tửu nức tiếng gần xa
Cũng như trà, rượu có lịch sử gắn bó lâu đời trong cuộc sinh tồn gian nan của người Việt. Nó là chất xúc tác cho lòng dũng cảm, giúp kết nối mọi người. Nếu uống vừa phải, sẽ giúp người ta thư giãn, lâng lâng. Khi cụng chén, tay - xúc giác được cầm, mũi - khứu giác được ngửi, lưỡi - vị giác được nếm, mắt - thị giác được nhìn, rồi phải cụng một cái rõ thật to cho tai –thính giác được nghe tiếng rượu... thật không gì sánh bằng. Bởi vậy, ông bà có câu: “Còn trời còn nước còn non/ Còn cô bán rượu anh còn say sưa…”
Việt Nam có hơn 10 loại rượu nổi tiếng được chưng cất hết sức kỳ công, mang nét khác biệt của vùng miền mà ai nếm qua cũng không thể quên. Rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn) chưng cất ở độ cao 1.000m so với mặt biển, ủ men lá từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm. Giọt rượu thơm ngon, trong như nước suối, đậm đà, mang hương vị đặc trưng của cây thuốc xứ Lạng.
Rượu ngô men lá Na Hang làm từ 20 loại thảo dược chữa bệnh, cường tráng gân cốt. Đây là món quà quý của tỉnh Tuyên Quang. Rượu làng Vân (Bắc Giang) trong vắt, lắc nhẹ là thấy sủi tăm, được ủ từ nếp cái hoa vàng thơm ngon trồng trên đồng làng cộng thêm men gia truyền bằng quý hiếm.
Rượu Kim Sơn (Ninh Bình) làm từ gạo nếp, men thuốc bắc và nguồn nước giếng khơi tự nhiên nên càng để lâu càng ngon. Rượu Bàu Đá (Bình Định) nức tiếng bởi nguồn nước ngầm rỉ ra từ bàu đá nên có mùi hương đặc biệt. Uống điều độ sẽ thoải mái, dễ chịu, trị chứng đau lưng, là “ngự tửu” để tiến vua và dùng trong yến tiệc.
Rượu cần Tây Nguyên là thức uống không thể thiếu trong lễ hội cũng như tiếp đãi khách quý. Đồng bào ủ rượu bằng nếp cẩm hoặc nếp trắng trộn men bằng củ riềng, rễ cam thảo và củ cây chít. Rượu ngon có màu vàng đục như mật, sờ vào thấy hơi dính, mùi thơm ngây ngất, cay nồng xen lẫn vị ngọt.
Rượu Gò Đen (Long An) nấu theo phương pháp cổ truyền, bằng nếp trồng tại địa phương. Loại rượu này có nồng độ cồn rất cao, có thể lên đến 50 độ cồn. Nếp nấu rượu phải có hạt tròn, mẩy, trắng đục đều, có hương thơm. Rượu sim Phú Quốc có vị rất đặc trưng: thơm nồng, chát và vị rất thanh. Màu sắc thì có đủ cả vang sim trắng, vang sim đỏ, vang sim chưng cất và rượu liquor. Đây còn là loại rượu thuốc có nhiều tác dụng, tốt cho sức khỏe của phụ nữ.