KHAI MẠC HỘI THẢO TÀI TRỢ CHUỖI CUNG ỨNG: GIẢI PHÁP HỮU HIỆU GIÚP GIẢM THIỂU ĐỨT GÃY CHUỖI CUNG ỨNG TRONG NGÀNH F&B TRONG VÀ SAU ĐẠI DỊCH

Do Digital Team 15/12/2021

Sáng 15/12/2021, cuộc Hội thảo "TÀI TRỢ CHUỖI CUNG ỨNG: Giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng trong ngành F&B trong và sau đại dịch" đã diễn ra với hình thức trực tiếp (offline) và hình thức trực tuyến (online), đồng thời được livestream trên các nền tảng của Vietravel và một số doanh nghiệp hội viên thuộc Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA).

Ban tổ chức tham dự cầu trực tuyến tại TP. HCM
Ban tổ chức tham dự cầu trực tuyến tại TP. HCM

Tham dự cuộc Hội thảo, về phía các cơ quan Trung ương có ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Mai Thu Trang – Trưởng phòng Chính sách tín dụng, Hội tín dụng, bà Hoàng Thị Hảo – Phó trưởng phòng Pháp luật quốc tế, Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Về phía Ban tổ chức, tham dự cầu trực tuyến tại TP. HCM có ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Chủ tịch Vietravel, ông Lã Quốc Khánh – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, ông Nguyễn Hải Linh – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, GS.TS. Viện sĩ Hàn lâm Khoa học Lưu Duẩn - Trưởng ban Tư vấn, TS.Nguyễn Nhã – Phó trưởng Ban Tư vấn Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Tham dự trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội có ông Phạm Ngọc Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, bà Lê Thị Thiết - Ủy viên Ban Thường vụ, ông Nguyễn Ngọc Kiên – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Về phía đầu cầu miền Trung tham gia hội thảo trực tuyến, có ông Lê Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội, ông Nguyễn Quốc Thành - Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng đại diện VCCA tại miền Trung, ông Lý Đình Quân - Ủy viên Ban Chấp hành.

Về phía khách mời quốc tế, có ông Jin Chang Lai – Chuyên gia trưởng, Giám đốc nhóm đa dạng hóa các sản phẩm tài chính, tài chính bao trùm và cơ sở hạ tầng tài chính, bộ phận Tư vấn các định chế tài chính khu vực châu Á và Thái Bình Dương cùng đại diện Ngân hàng VP Bank, VON và nhiều nhà nghiên cứu, thành viên lãnh đạo, đại diện từ các doanh nghiệp F&B, cán bộ các Hiệp hội, các cơ quan khác.

Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Hội thảo
Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Hội thảo

Năm 2020, 2021, đại dịch Covid-19 ập đến, càn quét nền kinh tế thế giới, “di chứng” của Covid-19 để lại không thể đo đếm được. Riêng đối với ngành F&B Việt Nam, theo khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 08/2021, năm 2020 có gần 48% số doanh nghiệp cho rằng không chịu tác động của đại dịch hoặc mức độ tác động ít, không đáng kể. Tuy nhiên, sang năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động ở mức nghiêm trọng lên đến hơn 91%.

Hội thảo được diễn ra trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội
Hội thảo được diễn ra trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội

Ông Nguyễn Ngọc Kiên – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam trình bày tại hội thảo

Ông Nguyễn Ngọc Kiên cho biết sứ mệnh quan trọng khi thành lập Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam là bảo vệ, hỗ trợ, đồng hành và thúc đẩy các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống Việt Nam phát triển mạnh mẽ, vươn tầm thế giới.

Ông Nguyễn Ngọc Kiên – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam trình bày tại Hội thảo
Ông Nguyễn Ngọc Kiên – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam trình bày tại Hội thảo

Ông Nguyễn Ngọc Kiên chia sẻ, trước khi đại dịch Covid-19 ập đến, Việt Nam được tổ chức Business Monitor International đánh giá là một trong những thị trường thực phẩm và đồ uống hấp dẫn nhất trên toàn cầu và xếp thứ 10 Châu Á. Việt Nam cũng được vinh danh là điểm đến ẩm thực hàng đầu Châu Á.

Tổng doanh thu bán hàng ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam đạt hơn 900 nghìn tỷ đồng vào năm 2020, đóng góp vào GDP khoảng 15,8%. Quy mô dịch vụ cả nước có khoảng 550 nghìn cơ sở dịch vụ ăn uống. 

Ông Kiên đã nêu lên thực trạng ngành F&B hiện nay dưới sự tác động của đại dịch Covid-19 gồm:

  • Thực phẩm đồ uống chịu tác động tiêu cực, nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với bài toán sống còn
  • Hầu hết các công ty sản xuất trong ngành thực phẩm đồ uống có năng lực tài chính yếu kém
  • Để sinh tồn, nhiều doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu sản xuất và mạng lưới phân phối thích ứng với khủng hoảng
  • Dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy gây ảnh hưởng đặc biệt đến ngành dịch vụ, thực phẩm, đồ uống
  • Chỉ số sức mua giảm đáng kể, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt
  • Năm 2021 tình hình kinh tế không mấy khả quan đối với ngành kinh doanh dịch vụ F&B vì gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội.

Theo ông Nguyễn Ngọc Kiên, điều mà doanh nghiệp F&B cần hiện nay là giải pháp tài chính hiệu quả giúp giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng, đó là tài trợ chuỗi cung ứng.

Tài trợ chuỗi cung ứng: được xem là một giải pháp tối ưu, vốn lưu động. Đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, phát triển nhanh chóng ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, rõ ràng. Tiềm năng của thị trường tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam ước tính lên đến 50 tỷ đô vào năm 2021. Nhưng thực tế còn nhiều khiêm tốn, các doanh nghiệp nhỏ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn lưu động.

Xu hướng thúc đẩy, thay đổi hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng bao gồm:

- Dịch chuyển sang chuỗi cung ứng số toàn cầu

- Tích hợp blockchain, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao giúp đơn giản hóa thủ tục quy trình, chi phí thấp hơn, kiểm soát tốt hơn, minh bạch hơn.

- Cung ứng dịch vụ công nghệ tài chính Fintech

Theo ông Nguyễn Ngọc Kiên, cần sự phối hợp đồng bộ của đơn vị cung cấp các nền tảng tài trợ chuỗi cung ứng điện tử, công ty quản lý chuỗi cung ứng, công ty quản lý tài sản bảo đảm, các đơn vị cung cấp các quyền và dịch vụ bổ sung như bảo hiểm bảo lãnh của bên thứ 3, công tác kết nối của các cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia của các doanh nghiệp cốt lõi.

TS. Đoàn Minh Phú - Giám đốc/Tổng bếp trưởng chuỗi “Nhà hàng Siêu thị Thế Giới Hải Sản”: Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới doanh nghiệp ngành dịch vụ ăn uống trong năm 2020-2021 và trong thời gian tới

Theo TS. Đoàn Minh Phú, ảnh hưởng vĩ mô của đại dịch COVID-19 đến kinh tế toàn cầu là vô cùng to lớn, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài.

Với kinh tế Việt Nam, COVID-19 tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, lao động, việc làm và thu nhập của người lao động.

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới doanh nghiệp ngành dịch vụ ăn uống là tức thì và vô cùng nặng nề. Tháng 1/2020, các nhà hàng giảm doanh thu từ 10% - 20%, tháng 2, tháng 3/2020 lên đến 50% - 70%. Từ 1/4/2020, tất cả các nhà hàng phải đóng cửa theo yêu cầu của chính phủ, đồng nghĩa với doanh thu về 0. Trong những tháng được mở cửa, lượng khách giảm khoảng 30% do thay đổi thói quen tiêu dùng.

Tiến sĩ Đoàn Minh Phú – Giám đốc/Tổng bếp trưởng chuỗi “Nhà hàng Siêu thị Thế Giới Hải Sản” chia sẻ tại Hội thảo

TS Đoàn Minh Phú đã đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp ngành dịch vụ ăn uống thông qua cách mà hệ thống “Nhà hàng Siêu thị Thế Giới Hải Sản” đã áp dụng.

Thứ nhất, đặt ra các mục tiêu chiến lược gồm:

- Giữ được việc làm cho CBCNV;

- Duy trì hoạt động;

- Giảm bớt phần nào thua lỗ;

- Không mất thanh khoản hay khủng hoảng dòng tiền;

- Phục hồi kinh doanh sau dịch.

Để có thể đạt được các mục tiêu đó, ngay từ đầu dịch, Thế Giới Hải Sản đã lập tức tiến hành các hoạt động:

- Tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng dịch cho không gian nhà hàng và CBCNV;

- Tiết giảm tất cả các chi phí vận hành trong nhà hàng như điện, nước, gas, …;

- Đóng một số khu vực của nhà hàng lại không phục vụ vì lượng khách giảm quá lớn;

- Kêu gọi CBCNV chấp nhận giảm 30%- 40% thu nhập để giảm chi phí nhân sự mà không phải cho nhân viên nghỉ việc hàng loạt;

- Thường xuyên động viên người lao động chung tay cùng doanh nghiệp vượt khó với tiêu chí CBCNV là tài sản quý nhất của doanh nghiệp;

- Tăng thêm các trương trình khuyến mãi;

- Đề nghị đối tác hỗ trợ giảm giá cho thuê mặt bằng;

- Trong trường hợp phải đóng cửa theo yêu cầu của Cơ quan Chính quyền, duy trì bảo dưỡng, bảo trì toàn bộ cơ sở vật chất và công cụ dụng cụ;

- Đặc biệt, nhanh chóng tái cơ cấu, tổ chức và đẩy mạnh việc bán hàng online, chế biến và phục vụ khách hàng tại nhà.

Theo TS. Đoàn Minh Phú, bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch Covid-19 cũng có những ảnh hưởng tích cực đối với ngành dịch vụ ăn uống như:

- Chất lượng sản phẩm dịch vụ và uy tín doanh nghiệp được tôn vinh. Sau dịch, các doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về không gian, sản phẩm, dịch vụ và đặc biệt là VSATTP sẽ có cơ hội hồi phục và phát triển tốt hơn;

- Ý thức về VSATTP của khách hàng và Doanh nghiệp, chất lượng của ngành được nâng cao;

- Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thực hành chống lãng phí, tăng cường quản trị chi phí, chỉnh đốn đội ngũ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, lành mạnh tài chính;

- Người lao động trân trọng công việc đang có hơn và nâng cao ý thức xây dựng đội ngũ.

Ông Đoàn Minh Phú tin rằng khó khăn nào rồi cũng sẽ qua đi, khi chúng ta cùng đoàn kết, chia sẻ, chắc chắn sẽ vượt mọi khó khăn, duy trì hoạt động, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Lý Đình Quân - Ủy viên Ban Chấp hành VCCA, đại diện các doanh nghiệp F&B khu vực miền Trung trình bày tại Hội thảo

Ông Lý Đình Quân chia sẻ về cơ hội cho các doanh nghiệp F&B miền Trung với góc nhìn mới. Cụ thể, Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn đã phối hợp với Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam, công ty Phú Đạt Gia, dưới sự bảo trợ của Tổng cục du lịch và Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động “Văn hóa ẩm thực – Con đường di sản miền Trung”.

Ông Lý Đình Quân chia sẻ về chuỗi hoạt động “Văn hóa ẩm thực – Con đường di sản miền Trung”

Chuỗi hoạt động được tổ chức với mục đích hình thành cộng đồng văn hóa ẩm thực miền Trung và kết nối Việt Nam; nâng cao vị thế ẩm thực miền Trung; tạo không gian phát triển cho khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong 3 tháng qua, 3 sự kiện thuộc chuỗi sự kiện đã được tổ chức, thu hút 100 doanh nghiệp bằng cách gắn kết doanh nghiệp với chuyên gia, nhà khoa học, khơi dậy đam mê, khát vọng doanh nghiệp miền Trung đi theo con đường văn hóa ẩm thực, gắn với việc phát triển ẩm thực với phát triển văn hóa địa phương, hình thành con đường di sản tại địa phương, giúp doanh nghiệp nhận thức rằng tri thức, văn hóa, xã hội, môi trường là những yếu tố cần đưa vào mô hình kinh doanh.

Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương điểm qua một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đặc biệt là cách chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid như Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ NLĐ, DN khó khăn do Covid-19; Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; Nghị quyết 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68; Quyết định 33 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021; Nghị định 92 về miễn, giảm thuế TNDN, GTGT cho DN khó khăn do Covid-19…

Ông Nguyễn Hoa Cương chia sẻ tại Hội thảo

Trong cuộc Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương cũng đưa ra 6 kiến nghị với các doanh nghiệp nói chung, bao gồm: áp dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp; thay đổi cách làm việc thông qua chuyển đổi số; cắt giảm chi phí đầu tư nhân sự; xem lại cách cung cấp dịch vụ; tăng khả năng liên kết; coi trọng giá trị con người là trung tâm.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoa Cương cũng nêu ra các kiến nghị với doanh nghiệp F&B: chú trọng nhất về trải nghiệm khách hang; sử dụng mô hình bếp trên mây để tối ưu hóa chi phí; cơ cấu lại chi phí, tinh gọn bộ máy; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn…

Ông Đào Gia Hưng và ông Nguyễn Anh Việt – Đại diện Ngân hàng VP Bank chia sẻ các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ đi qua đại dịch

Đại diện ngân hàng VB Pank đã giới thiệu với Hội thảo các giải pháp tài chính cho Doanh nghiệp SME – Cán bộ nhân viên và Hộ kinh doanh.

Cụ thể, đối với Doanh nghiệp SME, VP Bank có các gói hỗ trợ doanh nghiệp như: Mở tài khoản online, cấp vốn tín chấp, cấp vốn thế chấp, cấp thẻ tín dụng doanh nghiệp và giải pháp thương mại điện tử nhằm giúp các doanh nghiệp rút ngắn quy trình, tiết kiệm nguồn lực, tăng tốc kinh doanh và an tâm tài chính.

VPBank có nhiều giải pháp để đồng hành với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi qua đại dịch

Đối với CBNV công ty,VP Bank cung cấp gói ưu đãi trả lương qua hệ thống ngân hàng VP Bank như miễn phí trả lương trọn đời, miễn phí quản lý tài khoản, phí rút tiền mặt tại ATM hay duy trì số dư tối thiểu... Bên cạnh đó, VP Bank cũng ưu đãi tín dụng CBNV như: chi tiêu hoàn tiền, giảm giá tại hơn 5000 đối tác liên kết, trả góp LS 0%, rút tiền mặt dễ dàng… với đa dạng các dòng thẻ như Shopee, Lady và Step up.

Đối với Hộ kinh doanh,VP Bank cấp vốn tín chấp cho hộ kinh doanh, cấp hạn mức tín dụng tín chấp qua xác nhận bên thứ ba (ecommerce), cấp vốn thế chấp cho hộ kinh doanh. Ngoài ra VP Bank còn cung cấp các dịch vụ phi tính dụng gia tăng tiện ích của hộ kinh doanh.

Jin Chang Lai – Chuyên gia trưởng, Giám đốc nhóm đa dạng hóa các sản phẩm tài chính, tài chính bao trùm và cơ sở hạ tầng tài chính, bộ phận Tư vấn các định chế tài chính khu vực châu Á và Thái Bình Dương chia sẻ tại Hội thảo

Tại hội thảo, ông Jin Chang Lai đã chia sẻ về giải pháp tài chính đối với các doanh nghiệp ngành F&B trên thế giới thông qua tài trợ chuỗi cung ứng, đặc biệt là hoạt động cho vay vốn.

Ông Jin Chang Lai chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tài trợ chuỗi cung ứng

Theo ông Jin Chang Lai, dù các bên cho vay đánh giá các doanh nghiệp F&B cũng giống như các doanh nghiệp khác nhưng với đặc thù của ngành ăn uống rất khó để kiểm soát về dòng tiền khi có thể âm vài tháng nhưng sau đó có thể gia tăng mạnh mẽ và những thách thức về phân phối và lưu trữ cũng khiến việc cấp vốn cho các doanh nghiệp F&B gặp nhiều khó khăn.

Trước những thách thức đó, ông Jin Chang Lai gợi ý các doanh nghiệp nên sử dụng dịch vụ SCM (Supply Chain Management - Quản trị chuỗi cung ứng). Dịch vụ này không chỉ giải quyết được việc cung cấp nhà kho, dịch vụ lưu kho, quảng bá sản phẩm, marketing, phân tích dữ liệu… mà còn kết nối dịch vụ bán lẻ với các nhà máy, giải quyết nhu cầu mua với số lượng lớn… Đây là loại hình dịch vụ phù hợp với các đế chế tài chính, khi có thể kết hợp với SCM làm khâu trung gian, tài trợ chuỗi cung ứng không chỉ bằng cách cho vay mà còn kết nối các bên trong chuỗi cung ứng.

Ông Vũ Văn Duy, Giám đốc Khối kinh doanh, Công ty Cổ phần Công nghệ VON

Dưới góc độ doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số - yếu tố quan trọng giúp quản lý chuỗi cung ứng trong Tài trợ chuỗi cung cứng, ông Vũ Văn Duy giới thiệu một số giải pháp VON đang cung cấp như: hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp; phần mềm quản lý mua, bán hàng cho nội bộ Doanh nghiệp; Phần mềm quản lý mua, bán hàng giữa Doanh nghiệp với Đối tác; Giải pháp quản lý nhân sự; Giải pháp chấm công thông minh; Phần mềm quản lý công nợ; Phần mềm tiếp thị liên kết.

Trong đó, ông Vũ Văn Duy giới thiệu cụ thể về sản phẩm VON02.doc mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp như: Dễ dàng sử dụng và nhanh chóng, kết nối trực tuyến, không giới hạn, tiết kiệm, an toàn bảo mật và kết nối tích hợp với các phần mềm quản trị bán hàng nội bộ doanh nghiệp… VON không chỉ kết nối chuỗi giá trị giữa ngân hàng, nhà cung cấp, khách hàng trung tâm và đại lý, mà còn giúp doanh nghiệp dễ dàng tạo vòng tròn số hóa.

Xem nhiều nhất

Sorry. No data so far.